Ngày 6-10, hội thảo "Đảm bảo an toàn, an ninh mạng phục vụ chuyển đổi số" do UBND tỉnh Khánh Hòa và Công an tỉnh Khánh Hòa tổ chức đã đưa ra những giải pháp chuyển đổi số và các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng phục vụ chuyển đổi số, thu hút sự tham gia của các chuyên gia trong ngành.
Chuyển đổi số kéo theo nhiều xu hướng tội phạm, lừa đảo
Tại hội thảo, thượng tá Cao Việt Hùng - phó trưởng Phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) - trao đổi về các xu hướng tội phạm đánh cắp dữ liệu hiện nay.
Theo ông Hùng, trong năm 2022, Việt Nam hứng chịu gần 42 triệu vụ tấn công trực tuyến, có 57.000 vụ tấn công ransomware (mã độc tống tiền) bị phát hiện và ngăn chặn, tuy nhiên vẫn có hơn 14.500 máy chủ bị nhiễm mã độc ransomware.
Bên cạnh đó, vẫn còn hơn 180.000 máy tính trong các cơ quan, tổ chức bị nhiễm mã độc APT (các quá trình tấn công hệ thống máy tính bí mật và liên tục), thiệt hại do hoạt động tấn công mạng, mã độc là 21.200 tỉ đồng.
Hiện nay, xu thế tội phạm đánh cắp dữ liệu đang diễn ra từng phút, thiết bị di động trở thành mục tiêu tấn công phổ biến và ngày càng nhiều các vụ tấn công IoT (mạng lưới vạn vật kết nối Internet).
3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến
Ông Nguyễn Phú Lương - phó trưởng phòng giám sát an toàn thông tin Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin) - đã cảnh báo 3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất hiện nay: giả mạo website, lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link/file nén và lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR.
Từ thực tế nói trên, các chuyên gia của Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác, lưu ý để tránh bị lừa đảo.
Tên các trang web giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk, .tv… Vậy nên người dùng không truy cập các đường link lạ.
Bên cạnh đó, cần chú ý cẩn trọng khi sử dụng các mã QR code được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng, gửi qua mạng xã hội, email hay các nền tảng khác.
Tại hội thảo, Cục An toàn thông tin giới thiệu các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin trong không gian mạng.
Cục đã triển khai hệ thống giám sát phát hiện các tên miền độc hại để ngăn chặn sớm trước các tên miền này được sử dụng trong các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Ngoài ra, Cục An toàn thông tin đã tạo ra hệ sinh thái Tín nhiệm mạng để có thể đánh giá về mức độ an toàn thông tin.
Cũng tại hội thảo, triển lãm các thiết bị, hệ thống giám sát, an toàn thông tin, an ninh trong không gian mạng cũng đã được giới thiệu đến công chúng.
Trong đó có thể kể đến như: Hệ thống giám sát an toàn thông tin hạ tầng trọng yếu; hệ thống camera AI; các giải pháp tích hợp phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục như phòng học thông minh, thư viện thông minh, số hóa giáo dục…
Nhiều trang an toàn thông tin phục vụ người dân
Để đảm bảo an toàn và cung cấp thông tin phục vụ cho quá trình, hoạt động chuyển đổi số, người dân có thể truy cập các trang thông tin như sau:
Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ https://canhbao.khonggianmang.vn/
Cổng Không gian mạng quốc gia tại địa chỉ https://khonggianmang.vn/
Cổng thông tin Dấu hiệu lừa đảo tại địa chỉ https://www.dauhieuluadao.com/
Ngoài ra, để phản ánh các tin nhắn rác, cuộc gọi rác, người dùng có thể gọi tới đầu số 156 (hoặc 5656).
Giải pháp an ninh mạng SafeGate hoàn toàn do các chuyên gia công nghệ, kỹ sư Việt Nam nghiên cứu phát triển đã đạt được thỏa thuận ra thị trường quốc tế.