Dầu diesel là sản phẩm từ dầu mỏ xuất khẩu nhiều nhất của Nga. Loại dầu này có mức xuất khẩu là 35 triệu tấn mỗi năm, với 3/4 trong đó được vận chuyển thông qua các đường ống dẫn.
Bên cạnh đó, Nga cũng xuất khẩu 4,8 triệu tấn xăng trong năm 2022. Các giới hạn xuất khẩu đối với mặt hàng này vẫn được Nga giữ nguyên.
“Chính phủ đã tháo dỡ giới hạn đối với xuất khẩu dầu diesel được vận chuyển tới các cảng biển thông qua đường ống dẫn, với điều kiện phía sản xuất cung cấp ít nhất 50% dầu diesel sản xuất được cho thị trường nội địa", tuyên bố mới nhất của Chính phủ Nga nói.
Theo Hãng tin Reuters, Nga cũng áp đặt giới hạn đối với nhiên liệu xuất khẩu đã đẩy giá cả toàn cầu tăng cao, buộc một số bên mua tranh giành các nguồn xăng và dầu diesel thay thế.
Nga là nhà xuất khẩu nhiên liệu đường thủy lớn nhất thế giới, theo sau là Mỹ.
Sau khi Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu nhiên liệu từ Nga để đáp trả “chiến dịch quân sự đặc biệt" nước này phát động tại Ukraine, Matxcơva đã điều hướng lượng nhiên liệu xuất khẩu đến châu Âu trước đây sang Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, một số quốc gia ở Bắc và Tây Phi, cũng như các nước vùng Vịnh ở Trung Đông.
Các nước vùng Vịnh, nơi có các nhà máy lọc dầu lớn, nhập dầu từ Nga và tiếp tục xuất khẩu nhiên liệu ra thế giới.
Nga đã đối mặt với việc thiếu hụt nhiên liệu và giá cả tăng cao trong những tháng gần đây. Tình hình này đặc biệt ảnh hưởng xấu tới nông dân Nga vào mùa thu hoạch.
Kể từ khi có lệnh cấm xuất khẩu, giá bán sỉ dầu diesel tại Nga đã giảm 21%, trong khi giá xăng giảm 10%.
Giá bán lẻ các loại nhiên liệu trên vẫn chưa nhận được ảnh hưởng tương tự từ lệnh cấm xuất khẩu. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết lệnh cấm này đã bắt đầu cho kết quả tích cực.
Ngày 5-10, Cơ quan giám sát chống độc quyền của Nga (FAS) thông báo đã gửi hướng dẫn tới các công ty dầu, yêu cầu họ cắt giảm giá các sản phẩm dầu.
Ngày 6-10, chính phủ nước này đã tăng thuế xuất khẩu đối với các đại lý từ 20.000 rúp/tấn lên 50.000 rúp/tấn (khoảng 496 USD/tấn).
Nhiều công ty dầu khí Mỹ vẫn có các giao dịch lên đến hàng triệu USD với Nga kể từ sau thời điểm bùng nổ cuộc chiến tại Ukraine, phớt lờ áp lực phải rút khỏi nền kinh tế này.