Đồng Nai thu hồi mặt bằng mới đạt 6%
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, ngay sau khi Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, các địa phương có dự án đi qua (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) đã khẩn trương lập hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng và thực hiện cắm mốc tại thực địa. Việc tổ chức kiểm đếm, đo đạc, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tổ chức phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tổ chức bồi thường, thu hồi đất được tiến hành.
Kết quả cho thấy, tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 654 ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 35,6 ha, đất nông trường khoảng 77,2ha, đất nông nghiệp khác khoảng 290,9ha, đất dân cư khoảng 74,2 ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 53,1 ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 5,4 ha và đất khác khoảng 118,1 ha. Tống số hộ bị ảnh hưởng khoảng 1.355 hộ.
Đến nay, tổng diện tích đất đã thu hồi khoảng 535/654 ha (đạt 82%). Trong số này, TPHCM đã thu hồi 387/410ha (đạt 94%), tỉnh Đồng Nai đã thu hồi 04/64ha (đạt 6%), tỉnh Bình Dương đã thu hồi 94/129ha (đạt 73%), tỉnh Long An đã thu hồi 50/51 ha (đạt 98%). Tính chung, ông Thắng báo cáo, diện tích giải phóng mặt bằng toàn dự án đạt 82%, phấn đấu bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.
Về công tác tái định cư, Bộ trưởng GTVT thông tin, TPHCM dự kiến tận dụng 07 khu tái định cư có sẵn trên địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 12 và TP.Thủ Đức để bố trí cho 408 hộ đủ điều kiện tái định cư bằng nền đất. 176 trường hợp không đủ điều kiện tái định cư sẽ được bố trí căn hộ chung cư.
Tỉnh Đồng Nai dự kiến xây dựng 03 khu tái định cư trên địa bàn xã Phú Đông, Phuớc An, Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, trong đó bố trí cho khoảng 150 hộ.
Tỉnh Bình Dương dự kiến tận dụng 11 khu tái định cư có sẵn để bố trí cho 518 hộ đủ điều kiện tái định cư. Cụ thể, TP.Thủ Dầu Một: 8 hộ tại 02 khu tái định cư Phú Hòa 9, Phú Mỹ; TP.Thuận An: 205 hộ bố trí tại 02 khu tái định cư Bình Đức, An Thạnh kết hợp với 02 khu của TP.Thủ Dầu Một; TP.Dĩ An: 305 hộ bố trí tại 07 khu (hạ tầng đất công phường Đông Hòa, khu mì Hòa Hợp, khu tái định cư Đồng Chàm, khu trung tâm hành chính phường Bình Thắng, khu tái định cư Tân Hào 2, xây dựng khu tái định cư Tân Đông Hiệp, giải tỏa đền bù xây dựng trường THCS Đồng Chiêu, KDC và Dịch vụ Tân Bình).
Tỉnh Long An dự kiến xây dựng 01 khu tái định cư ở huyện Bến Lức, phục vụ nhu cầu tái định cư 110 trường hợp bằng nền đất và 17 trường hợp được hỗ trợ tái định cư bằng tiền.
Cập nhật tiến độ thi công xây dựng công trình dự án, ông Thắng cho hay, đến nay các dự án thành phần 1, 5, 7 do UBND TPHCM, UBND các tỉnh Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản đã khởi công ngày 18/6/2023. Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản mới khởi công gói thầu rà phá bom mìn, chưa khởi công các gói thầu xây lắp.
“Công tác triển khai thi công còn chưa đáp ứng yêu cầu” – ông Thắng nhìn nhận và cho biết, hầu hết các gói thầu đang tập kết máy móc thiết bị, nhân lực, lán trại, đường công vụ và thi công thử một số hạng mục cọc khoan nhồi, đào bóc hữu cơ, xử lý đất yếu... Riêng dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản mới động thổ gói thầu rà phá bom mìn, chưa khởi công các gói thầu xây lắp.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư còn thấp
Nêu vướng mắc, lãnh đạo Bộ GTVT phản ánh, hiện công tác triển khai thi công gặp một số khó khăn về mặt bằng (dự án thành phần 3 qua tỉnh Đồng Nai) và nguồn cung cấp vật liệu cát thiếu hụt.
Dẫn báo cáo từ các Chủ đầu tư dự án thành phần, ông Thắng chia sẻ, nhu cầu vật liệu cát đắp nền của dự án khoảng 7,2 triệu m3, cát xây dựng khoảng 1,5 triệu m3. TPHCM đã thành lập Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án, đến nay đã khảo sát nguồn vật liệu đáp ứng khoảng 5,8/7,2 triệu m3 cát đắp nền, khoảng 1,1/1,5 triệu m3 cát xây dựng. Hiện Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa để giải quyết, đồng thời nghiên cứu sử dụng nguồn vật liệu thay thế.
Tuy nhiên, trong thời gian tới các dự án cao tốc đồng loạt triển khai, nên theo ông Thắng, nguồn cung về vật liệu cát sẽ có nguy cơ thiếu hụt. Để triển khai thi công hoàn thành Dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, bộ, ngành nhằm tháo gỡ các khó khăn về nguồn cát, bảo đảm đáp ứng nhu cầu Dự án.
Cạnh đó, để đáp ứng nguồn vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông trong dài hạn, đặc biệt là đối với khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu long, Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu, đánh giá thí điểm sử dụng cát biển cho công trình giao thông, hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm.
Liên quan đến công tác trí vốn và giải ngân, đến thời điểm này, tổng số vốn đã bố trí năm 2023 khoảng 32.047 tỷ đồng, gồm NSTW 16.159 tỷ đồng, NSĐP 15.888 tỷ đồng. Tổng số vốn dự án đã giải ngân là 16.380/32.047 tỷ đồng, đạt 51%.
Trong số này, TPHCM đã giải ngân cho DATP1, 2 là 11.002 tỷ đồng/22.351 tỷ đồng (đạt 49%), tỉnh Đồng Nai đã giải ngân cho DATP3, 4 là 29 tỷ/588 tỷ đồng (đạt 5%), tỉnh Bình Dương đã giải ngân cho DATP5, 6 là 4.271 tỷ đồng/7.804 tỷ đồng (đạt 34%), tỉnh Long An đã giải ngân cho DATP7, 8 là 1.079 tỷ đồng/1.304 tỷ đồng (đạt 83%).
Tỷ lệ giải ngân này, theo người đứng đầu ngành GTVT, còn thấp, chủ yếu tập trung vào chi phí tư vấn, tạm ứng hợp đồng, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Giải ngân xây lắp chỉ là 1.969 /9.137 tỷ (đạt 22%), giải ngân giải phóng mặt bằng là 14.412 / 22.910 tỷ đồng (đạt 63%).
Dự án Vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài 76,34 km theo quy mô đường cao tốc cấp 100, phân kỳ 4 làn xe và đường song hành hai bên. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.