vĐồng tin tức tài chính 365

Làm gì với 4 tỷ đồng tiền bồi thường bảo hiểm?

2023-10-07 14:11

Chồng tôi qua đời và một mình tôi nuôi con nhỏ 3 tuổi. Tôi có nhận được tiền bồi thường từ bảo hiểm của anh ấy, số tiền gần 4 tỷ đồng. Tạm thời, hai mẹ con chưa cần dùng đến số tiền này. Tôi chỉ muốn dùng cho tương lai của con và chỉ thật sự cần nếu gia đình có bất trắc.

Ban đầu tôi định gửi ngân hàng như thói quen trước đây của hai vợ chồng (chúng tôi đã gửi ngân hàng 500 triệu). Nhưng nghĩ lại, tôi cũng muốn trích một phần tham gia đầu tư tài chính, hy vọng có lợi nhuận để lo cho cuộc sống con tôi tốt hơn về sau.

Tôi nhờ chuyên gia tư vấn giúp nên chia tỷ lệ và đầu tư ra sao với số tiền này. Tôi cảm ơn!

QMai

Hợp đồng bảo hiểm của một khách hàng tại TP HCM, tháng 2/2023. Ảnh: Quỳnh Trang

Hợp đồng bảo hiểm của một khách hàng tại TP HCM, tháng 2/2023. Ảnh: Quỳnh Trang

Chuyên gia tư vấn:

Trước hết xin chia buồn với bạn về những gì đã phải đối diện và trải qua. Qua câu hỏi, tôi thấy bạn có ba sự băn khoăn trong việc sử dụng số tiền bảo hiểm bồi thường gần 4 tỷ đồng: Có nên gửi toàn bộ số tiền này vào ngân hàng? Có nên trích một phần tham gia đầu tư tài chính? Cơ sở ra quyết định tài chính trên là gì và quản trị được các rủi ro có thể xảy ra?

Băn khoăn của bạn đều xuất phát từ trách nhiệm, tình yêu thương và sự lo lắng dành cho con của mình. Tôi sẽ đưa ra các khuyến nghị hành động mà bạn có thể làm ngay lúc này.

Thứ nhất là cần ưu tiên trả hết nợ (nếu có). Việc đầu tiên khi chưa có kế hoạch tài chính rõ ràng và cũng chưa có cơ hội đầu tư nào phù hợp, bạn nên ưu tiên trả hết nợ (nếu có, đặc biệt nợ lãi suất cao) và tạm gửi tiền vào ngân hàng. Bạn có thể tham khảo sản phẩm tiền gửi truyền thống, phân bổ thành các kỳ hạn khác nhau để có thể linh hoạt rút ra cho các khoản đầu tư thay thế.

Thứ hai là thống kê lại toàn bộ tài sản hiện tại. Bạn cần thống kê và đánh giá lại toàn bộ tài sản, quản lý thu chi hiện tại và lắng nghe mong muốn của mình. Bạn cần tập trung trả lời câu hỏi: Điều gì quan trọng nhất với bạn lúc này? Điều gì bạn cần ưu tiên?

Bước thứ ba là lập kế hoạch tài chính chi tiết, kế hoạch phân bổ tài sản đảm bảo mục tiêu tài chính mà bạn mong muốn một cách có hiệu quả nhất. Bạn nên tự đưa ra yếu tố và mức độ ưu tiên cao (mức độ đa dạng tài sản, quản trị rủi ro, dòng tiền....). Đặc biệt với bối cảnh của bạn hiện tại, việc quản trị rủi ro đối với việc bảo vệ tài sản và dòng tiền là điều quan trọng nhất lúc này và cả trong tương lai trước những rủi ro và mất mát đã phải đối diện.

Kế tiếp là ưu tiên mục tiêu bảo vệ hai mẹ con để đối diện với hầu hết rủi ro không mong đợi có thể xảy ra. Bạn cần xây dựng khoản dự phòng tài chính (3 đến 6 tháng hoặc có thể lên đến 1 năm mức chi tiêu), xây dựng quỹ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe (thông thường phí bảo hiểm từ 7-10% thu nhập hằng năm), xây dựng quỹ học tập cho con đến khi con học xong đại học, quỹ hưu trí của mẹ để yên tâm khi nghỉ hưu hoặc dừng không làm việc. Số tiền các quỹ này sẽ theo nhu cầu dự kiến của bạn và mức chi phí ước tính tương lai.

Bước cuối cùng là tập trung xây dựng danh mục tài sản sinh lời để tạo thu nhập thụ động thông qua việc tìm kiếm cơ hội đầu tư từ bất động sản (đất thổ cư, đất dự án tiềm năng...), vàng, cổ phiếu dài hạn, quỹ mở tăng trưởng hưởng cổ tức tốt hoặc chờ tăng trưởng trong tương lai. Nhưng bạn cần phân bổ theo tỷ lệ các lớp tài sản hợp lý, tạo những tài sản bền vững để gia tăng thu thập và tài sản cho hai mẹ con.

Tình hình kinh tế hiện được dự báo còn những thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội đang chờ đón từ nhiều tín hiệu vĩ mô tích cực. Do đó, tôi cho rằng quý IV/2023 và những tháng đầu năm 2024 sẽ là thời điểm tốt để bạn lựa chọn tài sản đầu tư phù hợp.

Đối với mong muốn đầu tư tài chính, nếu bạn không có kiến thức và cũng không có chuyên gia hoặc người đồng hành hiểu biết bên cạnh, tôi khuyên chưa lựa chọn hình thức tự đầu tư trực tiếp (đặc biệt là các hình thức đầu cơ). Bạn cần tránh các cổ phiếu đầu cơ hay tiền số, bất động sản đầu cơ... Những tài sản đầu cơ mang tính rủi ro cao, bạn cần có chuyên gia hoặc đơn vị ủy thác đầu tư hỗ trợ để có cơ sở đưa ra quyết định.

Do chưa đầy đủ thông tin về bối cảnh và tình hình chi tiết tài chính của bạn hiện tại, tôi khuyên trước mắt bạn nên tham khảo nội dung tư vấn như trên và áp dụng linh hoạt cho bức tranh tài chính của mình. Để có kế hoạch chi tiết hơn, bạn nên đến gặp chuyên gia tài chính.

Đào Hằng
Chủ tịch Công ty Tư vấn tái cấu trúc BHM

Xem thêm: lmth.1302664-meih-oab-gnouht-iob-neit-gnod-yt-4-iov-ig-mal/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Làm gì với 4 tỷ đồng tiền bồi thường bảo hiểm?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools