Được chọn từ hơn 1.000 sinh viên Việt Nam và quốc tế đăng ký tham gia, trong 100 đại biểu dự diễn đàn có 38 đại biểu Việt Nam, 18 đại biểu Philippines, 20 đại biểu Indonesia. Số còn lại đến từ Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Myanmar, Lào, Singapore và Ấn Độ.
Thanh niên là nhân tố thúc đẩy chuyển đổi số
Phát biểu tại phiên toàn thể của diễn đàn, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nói định hướng của thành phố là tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao.
Đến năm 2030, TP.HCM kỳ vọng trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, đồng thời là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước.
Để đạt các mục tiêu này, TP.HCM luôn coi trọng và đầu tư vào các giải pháp chuyển đổi số toàn diện ở các lĩnh vực, phát triển kinh tế số. Trong đó, thanh niên có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số.
"Sinh viên, thanh niên có điều kiện tiếp cận và ứng dụng công nghệ nhanh chóng hơn các thế hệ đi trước, trở thành công dân số, người tiêu dùng số và người sáng tạo số.
Sự sáng tạo, nhiệt huyết và kiến thức của các bạn sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn và thách thức", ông Đức phát biểu.
Hướng đến sáng kiến và học hỏi
Diễn đàn lần 7 này được thiết kế nhằm cụ thể hóa chủ đề "Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn". Hoạt động cũng hướng đến chào mừng Đại hội VII Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM và Đại hội XI Hội Sinh viên Việt Nam (nhiệm kỳ 2023 - 2028), hưởng ứng Tuần lễ chuyển đổi số TP.HCM 2023 và Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10-10).
Chị Trần Thu Hà - phó bí thư Thành Đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM - nói chủ đề diễn đàn hằng năm đều nắm bắt và tiếp cận các vấn đề có tính thời sự.
Diễn đàn các năm đều đạt được mục tiêu mở rộng mạng lưới kết nối các trường đại học trong khu vực và quốc tế, tạo cơ hội cho sinh viên đến từ nhiều quốc gia có cơ hội học tập, trao đổi kiến thức học thuật.
Đây cũng là dịp để các bạn được tìm hiểu, trau dồi kiến thức văn hóa, kỹ năng, ngoại ngữ là những yếu tố cần có của công dân toàn cầu.
"Chúng tôi mong diễn đàn không chỉ dừng lại ở việc trao đổi học thuật chất lượng mà còn thể hiện một cách mạnh mẽ tiếng nói, vai trò chủ thể sáng tạo của người trẻ trong công cuộc chuyển đổi số của mỗi quốc gia", chị Hà chia sẻ.
Các hoạt động của diễn đàn chia sẻ kết quả nghiên cứu từ diễn giả là các chuyên gia, nhà khoa học. Sinh viên tham dự diễn đàn cũng trình bày poster về các giải pháp chuyển đổi số, thúc đẩy năng lực số ở người trẻ.
Gần 4.500 dịch vụ công trực tuyến, gần 80% hộ gia đình kết nối internet tốc độ cao, kinh tế số chiếm gần 15% GDP... là những con số cho thấy mức độ chuyển đổi số quốc gia, chính phủ số của Việt Nam tới thời điểm hiện tại.