Ngày 7-10, Trường đại học Văn Lang (TP.HCM) phối hợp Trường đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội".
Báo cáo tại hội thảo, PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp - Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) kiến nghị cần có sự san sẻ trách nhiệm chi trả giữa người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) trong việc chi trả trợ cấp thai sản.
Theo quy định hiện nay, toàn bộ các khoản trợ cấp thai sản (bao gồm trợ cấp khi đi khám thai, trợ cấp nghỉ sinh con…) đều do cơ quan BHXH Việt Nam chi trả. Trên thực tế quy trình chi trả này khá phức tạp đối với các khoản trợ cấp nhỏ (như trợ cấp khi nghỉ để đi khám thai).
Bà Diệp cho rằng đối với khoản trợ cấp trả khi nghỉ đi khám thai nên quy định theo hướng người lao động có quyền được nghỉ để đi khám thai và khi nghỉ để đi khám thai theo quy định thì vẫn được hưởng nguyên ngày lương.
Cũng theo bà Diệp thì cần cân bằng tương đối quyền nghỉ thai sản của lao động nam và lao động nữ bằng cách giảm thời gian nghỉ sinh con của lao động nữ và tăng thời gian nghỉ của người lao động nam khi vợ sinh con. Thời gian tăng và giảm cụ thể có lẽ cần có nghiên cứu định lượng cụ thể hơn để có sự tăng, giảm hợp lý.
"Việc giảm thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ giúp họ có điều kiện quay trở lại với công việc sớm hơn, nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc, từ đó đảm bảo cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp của lao động nữ.
Tuy nhiên, khi giảm thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ thì cần tăng thời gian nghỉ của lao động nam có vợ sinh con để đảm bảo đứa trẻ vẫn có đủ thời gian được chăm sóc trực tiếp bởi cha, mẹ của mình.
Cần cân nhắc với khả năng nếu chỉ có người mẹ tham gia BHXH thì quyền nghỉ thai sản cần được giữ nguyên để đảm bảo quyền được chăm sóc của trẻ sơ sinh khi chào đời", bà Diệp kiến nghị.
Cũng theo bà Diệp, cần cân nhắc về mức trần chi trả trợ cấp thai sản trên cơ sở san sẻ và đảm bảo công bằng xã hội giữa người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp.
Về chế độ BHXH một lần, tiến sĩ Đinh Thị Chiến (Đại học Luật TP.HCM) cho rằng bản chất của chế độ hưu trí là trợ cấp cho tuổi già, song việc cho nhận một lần là không đúng bản chất.
Tuy nhiên do từ đầu đã cho nhận một lần, hình thành thói quen nên nếu không cho nhận nữa sẽ bị phản ứng.
"Nếu người lao động cứ nhận một lần thì chế độ hưu trí có thể sẽ bị phá vỡ. Quan điểm của tôi thì chế độ này chỉ được nhận khi đủ tuổi nghỉ hưu, nếu không đủ điều kiện nhận hằng tháng thì nhận một lần và nhận một lần khi nghỉ hưu phải được lợi hơn so với nhận một lần bây giờ để khuyến khích", bà Chiến góp ý.
Ngoài ra, hội thảo còn có 8 tham luận và nhiều ý kiến góp ý từ các chuyên gia pháp lý về dự thảo Luật BHXH. Kết quả của hội thảo sẽ được chọn lọc, tổng hợp gửi đến Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM để đóng góp ý kiến sửa đổi Luật BHXH.
Thường trực Ủy ban Xã hội đã có báo cáo ý kiến tiếp thu, giải trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, trong đó tiếp tục nêu về việc rút bảo hiểm xã hội một lần.