TAND tối cao vừa công bố 7 án lệ mới để các TAND vận dụng trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ việc, vụ án.
Trong số này, án lệ số 67/2023 với nhiều nội dung đáng chú ý, liên quan đến quyết định người được nhận hiện vật khi chia tài sản chung.
3 cấp tòa mới giải quyết xong
Năm 2012, vợ chồng cụ Phạm Ngọc T. và Nguyễn Thị Đ. (trú Hà Nội) đến văn phòng công chứng lập di chúc chung với nội dung cho cháu trai là anh Phạm Ngọc H. được toàn quyền sử dụng, sang tên khu đất rộng hơn 80m2 và ngôi nhà 2 tầng thuộc sở hữu của hai cụ.
Năm 2019, sau khi chồng qua đời, cụ Đ. và anh H. đến văn phòng công chứng, lập văn bản thỏa thuận chia di sản thừa kế. Theo đó, anh H. được hưởng toàn bộ di sản do ông nội để lại, cụ Đ. và anh H. là đồng sở hữu sử dụng nhà đất.
Thời gian sau, cụ Đ. khởi kiện, yêu cầu chia tài sản chung giữa mình và cháu nội. Cụ đề nghị được sử dụng nhà đất và thanh toán giá trị tài sản cho anh H. là 1,4 tỉ đồng. Ngược lại, anh H. có nguyện vọng được sử dụng nhà đất, sẽ thanh toán cho bà nội 1,5 tỉ đồng, đồng thời để bà tiếp tục sống chung đến khi qua đời.
Tháng 7.2020, TAND H.Thanh Trì (Hà Nội) xét xử sơ thẩm, quyết định giao cho cụ Đ. được quyền sử dụng nhà đất, cụ có nghĩa vụ thanh toán cho cháu nội một nửa giá trị tài sản, tức gần 1,4 tỉ đồng. Không đồng ý, anh H. kháng cáo.
Tháng 11.2020, TAND TP.Hà Nội xét xử phúc thẩm, quyết định sửa bản án sơ thẩm theo hướng anh H. được quyền sử dụng toàn bộ nhà đất và có nghĩa vụ thanh toán cho bà nội một nửa giá trị tài sản, tức gần 1,4 tỉ đồng.
Tháng 2.2021, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Hà Nội ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm của TAND TP.Hà Nội, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND H.Thanh Trì.
Phán quyết nhân văn
Tháng 6.2021, tại quyết định giám đốc thẩm, TAND cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Hà Nội, hủy toàn bộ bản án phúc thẩm của TAND TP.Hà Nội.
Theo đó, tòa quyết định cụ Đ. được toàn quyền sử dụng nhà đất và thanh toán cho anh H. một nửa giá trị tài sản là gần 1,4 tỉ đồng. Cụ có quyền, nghĩa vụ liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước để cấp "sổ đỏ".
Giải thích về phán quyết của mình, TAND cấp cao tại Hà Nội cho hay, nguyên đơn và bị đơn đều có nguyện vọng nhận nhà đất và thanh toán giá trị cho nhau.
Tuy nhiên, diện tích nhà đất trong vụ án có nguồn gốc do vợ chồng cụ Đ. tạo lập, hai cụ sinh sống ở đây từ năm 1980. Sau khi chồng chết, cụ Đ. vẫn quản lý, sử dụng và thờ cúng chồng.
Về phía anh H., năm 2016 anh này mới chuyển đến sinh sống cùng bà nội, không tạo lập được tài sản nào trên đất.
Quá trình giải quyết, cụ Đ. khẳng định không thể tiếp tục chung sống với cháu trai nữa. Các con của cụ đều đề nghị giao cho cụ quản lý nhà đất để cụ có chỗ ở, thờ cúng chồng, đến khi qua đời.
Xem xét toàn diện vụ án, tòa nhận thấy cụ Đ. đã cao tuổi, sức yếu, có hạn chế trong việc thay đổi và tạo lập chỗ ở khác nên việc giao nhà đất cho cụ sử dụng là phù hợp với nguồn gốc, quá trình hình thành tài sản chung.
Ngược lại, anh H. trẻ tuổi hơn, được hưởng một nửa giá trị tài sản chung trị giá gần 1,4 tỉ đồng. Số tiền này đủ để anh tạo lập chỗ ở mới.
Thông qua vụ án trên, TAND tối cao xây dựng thành án lệ số 67/2023.
Tình huống án lệ: vụ án chia tài sản chung là quyền sở hữu nhà đất, không thể chia được bằng hiện vật. Một bên là người cao tuổi đã tạo lập, quản lý và sử dụng nhà đất ổn định, lâu dài, có nguyện vọng nhận nhà đất và thanh toán giá trị phần tài sản của người còn lại.
Giải pháp pháp lý: tòa án phải quyết định giao nhà đất cho người cao tuổi và người cao tuổi phải thanh toán giá trị phần tài sản của người còn lại cho người đó.