Báo cáo các bộ, ngành cho biết, sau 3 đợt thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC), kết quả triển khai thực hiện chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến. Tuy nhiên, công tác chống khai thác IUU vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; việc xử phạt các hành vi vi phạm có nơi, có lúc còn chưa thực sự nghiêm túc…
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá VN, cho rằng những chỉ đạo của Thủ tướng có ý nghĩa lớn, mang tầm chiến lược dài hạn. Chúng ta không chỉ chống khai thác trái phép ở nước ngoài mà cả trong nước, phải có cách tiếp cận đồng bộ "ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường" vì một nghề cá phát triển bền vững và có trách nhiệm.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, "đánh bắt thủy, hải sản là sinh kế lâu đời của ngư dân. Do đó, việc chuyển đổi không phải là việc dễ trong ngày một, ngày hai mà chúng ta phải kiên trì thực hiện".
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các tỉnh, TP ven biển và các bộ, ngành có liên quan tập trung thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá VN khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân VN đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan tăng cường sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quản lý ngư dân, tàu cá, hoạt động đánh bắt…
Bộ NN-PTNT tiếp tục tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Đặc biệt là chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong việc đón và làm việc với đoàn thanh tra của EC một cách công tâm, khách quan, trách nhiệm, đảm bảo đạt kết quả tốt nhất, hướng tới sớm gỡ cảnh báo "thẻ vàng".
Cụ thể hơn, Thủ tướng giao các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ số lượng tàu cá, nắm được thực trạng tàu cá để sàng lọc, phân loại đảm bảo theo dõi, giám sát được toàn bộ hoạt động của đội tàu. Xử lý theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt các tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).
"Cần làm sao để người dân có ý thức, thực hiện nghiêm "đi khai, về báo" một cách tự giác vì lợi ích của chính mình và của cộng đồng, của đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh. Người đứng đầu, đặc biệt là cấp cơ sở - nơi trực tiếp tiếp xúc, quản lý ngư dân nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt nếu để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, ảnh hưởng đến lợi ích chung, khi đánh giá cán bộ sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và cần có chế tài xử lý.