Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Cửa Đạt (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã có từ lâu. Tuy nhiên, nó thực sự hiệu quả, giúp người dân sống khỏe là kể từ khi huyện Thường Xuân thông qua đề án "Hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, giai đoạn 2019-2021", trong đó, chú trọng hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng "đặc sản" theo hướng an toàn sinh học tại vùng lòng hồ, kết hợp phát triển du lịch.
Mô hình nuôi cá lồng trên hồ chứa nước lớn nhất Thanh Hóa
Hồ chứa nước Cửa Đạt (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là hồ thủy lợi và thủy điện lớn tỉnh Thanh Hóa, có dung tích 1,45 tỉ m3 nước, diện tích mặt hồ rộng 31 km2
Nhiệm vụ chính của hồ chứa nước Cửa Đạt là cung cấp nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sinh hoạt và khai thác thủy điện. Thế nhưng, do cảnh sắc thiên nhiên đẹp nao lòng với núi non hùng vĩ, làn nước trong xanh, nơi đây đang hình thành nghề nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch
Anh Nguyễn Văn Sinh (SN 1987; người địa phương), Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản hồ Cửa Đạt, là một trong những người tiên phong đầu tư lồng, bè nuôi cá đặc sản trên hồ Cửa Đạt
Khu nuôi cá lồng của HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản hồ Cửa Đạt
Theo anh Sinh, hiện HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản hồ Cửa Đạt có 16 thành viên, với trên 100 lồng cá, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 150 tấn cá, thu nhập khoảng 12-15 tỉ đồng
Hiện nay trên hồ chủ yếu nuôi cá lăng, cá diêu hồng và cá trắm đen...Tuy nhiên, chỉ có 2 loại cá được thị trường ưa chuộng, giá trị kinh tế cao được nuôi nhiều nhất là cá lăng và cá diêu hồng
Anh Vi Văn Hà (xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân) là một trong những hộ nuôi cá trên hồ. Anh thường xuyên ăn, ngủ cùng những lồng cá trên hồ. Ngày ngày, anh cho cá ăn và đi kiểm tra tình hình các lồng cá lưới có rách hay hư hỏng, theo dõi sức khỏe đàn cá...
Theo anh Sinh, cá lăng là loại cá khó tính, sống ở tầng sâu nên môi trường sống rất sạch
Trước đây, nhiều người dân ven lòng hồ Cửa Đạt công việc không ổn định, bấp bênh, cuộc sống gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, được huyện quan tâm hỗ trợ lồng nuôi cá, nhiều gia đình từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo
Hiện nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Cửa Đạt tạo công ăn việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho khoảng 50 lao động, trong đó HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản hồ Cửa Đạt có khoảng 30 lao động
Ngoài việc liên kết cùng nhau phát triển nghề nuôi cá lồng, anh Nguyễn Văn Sinh còn thành lập Công ty du lịch sinh thái hồ Cửa Đạt để khai thác tiềm năng, lợi thế vùng lòng hồ khi vừa có thể nuôi cá, vừa làm du lịch phục vụ du khách. Nhờ đó, mỗi năm công ty đón được khoảng 3.000-4.000 lượt khách.