Hơn 1.200 chuyên gia về rủi ro toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp đã nhận định, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt là rủi ro ngắn hạn lớn nhất tính đến năm 2025. Xét đến tình hình thế giới hiện tại, đây được xem là một nhận định thực tế, khi từ châu Á đến châu Âu, nhiều người dân đang phải đối mặt với gánh nặng chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày.
Afghanistan: Củi, than hay thực phẩm?
Với những người dân nghèo Afghanistan, câu hỏi "Củi, than hay thực phẩm" vào thời điểm hiện tại thực sự không dễ trả lời.
Người dân Afghanistan đang trải qua một mùa Đông lạnh cực đoan, được đánh giá là lạnh nhất trong 15 năm qua, với nhiệt độ có nơi xuống tới -34 độ C. Ít nhất 171 người đã tử vong do giá rét. Các gia đình buộc phải lựa chọn, mua thực phẩm để ăn hay mua củi hoặc than để sưởi ấm, mà thiếu thứ nào cũng đều không ổn. Còn nếu không lựa chọn, thì đơn giản là họ không đủ tiền để mua gì cả, dù là một trong hai thứ.
Ông Ashour Ali cùng 5 con nhỏ cư ngủ trong một căn hầm xi măng. Trong những ngày nhiệt độ tại Afghanistan xuống dưới mức âm độ C, nơi đây chẳng khác nào một túp lều mỏng manh không đủ che chắn gió lạnh.
"Hãy nhìn xem, nếu người lớn còn không chịu nổi cái lạnh này thì huống hồ trẻ con. Lạnh quá các con tôi không ngủ được, chúng cứ khóc cho tới sáng, đứa nào cũng ốm" - ông Ashour Ali nói.
"Mua thực phẩm để ăn hay củi hoặc than để sưởi ấm?" là câu hỏi mà ông Ashour Ali phải đối mặt mỗi ngày. (Ảnh: Reuters)
Giữa khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, thời tiết giá rét lại chồng chất thêm gánh nặng lên vai những người dân nghèo Afghanistan. Trên một cánh đồng phủ đầy tuyết ở phía tây thủ đô Kabul, lũ trẻ con phải lục tung đống rác tìm túi ni lông để đốt vì nhà không đủ tiền mua củi hoặc than.
"Nói một cách ước lượng, thì mùa đông năm nay, người dân chúng tôi phải đối mặt với những khó khăn gấp đôi những mùa đông trước. Nhiều người nghèo lắm, đến củi với bếp cũng không mua được" - ông Ajab Ali, một người bán củi cho biết.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, khoảng 28 triệu người dân Afghanistan - tương đương 2/3 dân số nước này đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp để duy trì sự sống.
Pakistan: Mất điện và giá cả tăng - Nền kinh tế mấp mé trên bờ vực
Như nhiều người dân Pakistan khác, anh Muhammad Radaqat, 27 tuổi, một tiểu thương kinh doanh rau củ, lo lắng không biết tuần tới hành tây sẽ có giá bao nhiêu, chưa nói đến việc làm thế nào có thể mua được nhiên liệu cần thiết để sưởi ấm cho ngôi nhà của mình.
Anh Muhammad Radaqat lo lắng không biết có nuôi nổi gia đình mình hay không. (Ảnh: CNN)
Sự lo lắng này phản ánh phần nào tình trạng của một quốc gia đang chạy đua để tránh khỏi một cuộc khủng hoảng kinh tế. Đối mặt với tình trạng thiếu USD, Pakistan chỉ có đủ ngoại tệ dự trữ để thanh toán cho 3 tuần nhập khẩu. Hàng ngàn container vận chuyển đang dồn ứ tại các cảng và chi phí cho các nhu yếu phẩm như thực phẩm và năng lượng đang tăng chóng mặt. Hàng dài người xếp hàng tại các trạm xăng khi giá cả dao động dữ dội ở đất nước 220 triệu dân này.
Sự cố mất điện trên toàn quốc vào tháng trước càng khiến mọi người lo lắng hơn. Người dân bị nhấn chìm trong bóng tối, mạng lưới vận chuyển ngừng hoạt động, các bệnh viện phải dựa vào máy phát điện dự phòng.
Sự cố mất điện càng khiến tình cảnh người dân Pakistan thêm u tối (Ảnh: CNN)
Áp lực đang gia tăng đối với chính phủ của Thủ tướng Shehbaz Sharif trong việc giải ngân hàng tỷ USD tài trợ khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đồng Rupee Pakistan gần đây đã giảm xuống mức thấp mới so với USD sau khi chính quyền nới lỏng kiểm soát tiền tệ để đáp ứng một trong những điều kiện cho vay của IMF. Chính phủ đã phản đối những thay đổi mà IMF yêu cầu, chẳng hạn như nới lỏng trợ cấp nhiên liệu, vì làm vậy sẽ gây ra những đợt tăng giá mới trong ngắn hạn.
Pakistan đang trải qua tình trạng mà các nhà kinh tế học gọi là khủng hoảng cán cân thanh toán. Đất nước này đã chi tiêu cho thương mại nhiều hơn những gì nó mang lại, làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ và đè nặng lên giá trị đồng Rupee. Những động lực này khiến các khoản thanh toán lãi cho nợ từ đối tác cho vay nước ngoài thậm chí còn đắt đỏ hơn và đẩy chi phí nhập khẩu hàng hóa lên cao hơn, đòi hỏi phải giảm dự trữ thậm chí còn lớn hơn, gây ra tình trạng khó khăn. Pakistan cũng đang vật lộn với tình trạng tăng giá tràn lan. Ngân hàng trung ương Pakistan đã tăng lãi suất cơ bản lên 17% trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tiêu dùng hằng năm gần 28%.
Lũ lụt lịch sử vào mùa hè năm ngoái cũng dẫn đến những hóa đơn khổng lồ cho tái thiết và viện trợ, làm tăng thêm căng thẳng cho ngân sách chính phủ. Ngân hàng Thế giới đã ước tính rằng cần ít nhất 16 tỷ USD để đối phó với thiệt hại và mất mát.
Tuy nhiên, các yếu tố toàn cầu đang làm cho tình hình tồi tệ hơn. Suy thoái kinh tế đã đè nặng lên nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Pakistan, trong khi đồng USD tăng giá mạnh vào năm ngoái đã gây áp lực lên các quốc gia nhập khẩu khối lượng lớn lương thực và nhiên liệu. Giá những mặt hàng này đã tăng đột biến do đại dịch COVID-19 và xung đột Nga – Ucraina. IMF đã nhiều lần cảnh báo rằng điều này có thể gây căng thẳng cho các nền kinh tế dễ bị tổn thương. Mặc dù theo dự báo, các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi sẽ có mức tăng trưởng khiêm tốn trong năm nay khi đồng USD thoát khỏi mức cao, lạm phát toàn cầu giảm và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu, nhưng khả năng quản lý gánh nặng nợ vẫn là một mối lo ngại.
Lạm phát cao chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho các hộ gia đình đang phải vật lộn để kiếm sống qua ngày. Theo dữ liệu được công bố trong tuần này, giá lương thực trong tháng 1 tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gần đây, dư luận đang đổ dần sự chú ý vào một người đàn ông ở tỉnh Sindh, miền Nam Pakistan. Người đàn ông xấu số này đã thiệt mạng khi tranh giành một túi bột mì được chính quyền địa phương trao tặng. Ông bị đè chết bởi chính đám đông xin cứu trợ.
Anh: UK không OK
Tờ Conversation đã chơi chữ khi nói về cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh bằng cụm từ "UK not OK" (UK không OK: Nước Anh không ổn).
Trong bối cảnh giá cả tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, các ngân hàng thực phẩm đã trở thành một nét đặc trưng trong cuộc sống hiện đại của người Anh.
Lạm phát tăng khiến ngày càng nhiều người dân Anh tìm đến các ngân hàng thực phẩm. (Ảnh: Reuters)
Tại một nhà thờ ở phía Đông London vào một ngày mùa đông lạnh giá, chị Beautine Wester-Okiya đang nhặt nhạnh những món đồ trong những chiếc hộp đựng quần áo trẻ em, đồ chơi và các loại đồ dùng khác được quyên tặng dành cho người dân địa phương đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt ở Vương quốc Anh. Đó là điều mà chị không bao giờ có thể tưởng tượng được trước đây - tình trạng nghèo đói nghiêm trọng ở một quốc gia phương Tây phát triển.
Tương tự ở thành phố Coventry, miền Trung nước Anh. Trong một nhà kho khổng lồ, các nhân viên của tổ chức từ thiện Feed the Hungry đang đóng gói thực phẩm khẩn cấp không chỉ cho trẻ em ở Nicaragua, Ucraina và Châu Phi, mà còn cho các gia đình chỉ cách đó vài dặm.
Nước Anh đang ở giữa đợt tăng giá mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, từ nhiên liệu đến chi phí thực phẩm và nhà ở. Đối mặt với một cuộc khủng hoảng không ngừng gia tăng, nước Anh hiện có hơn 2.500 ngân hàng thực phẩm. Nhiều dự án mới cũng đang được triển khai để hỗ trợ người dân. "Người tìm đường" là một trong những dự án như vậy. Dự án này này mang đến cho mọi người cơ hội mua thực phẩm trị giá 25 bảng Anh, giúp họ thanh toán với chi phí vừa phải mà không bị mặc cảm, đồng thời có thể tiếp cận các khoản trợ cấp và thanh toán phúc lợi không có người nhận.
Xem thêm: nhc.472510112800132881-uac-naot-aod-ed-tahn-nol-or-iur-al-taoh-hnis-ihp-ihc-gnaoh-gnuhk/nv.fefac