vĐồng tin tức tài chính 365

Biến mít non thành "thịt"

2023-10-09 07:14

Dự án "Lemit Foods" của Công ty CP Công nghệ Thực phẩm Sáng tạo (Hậu Giang) vừa tham dự cuộc thi Social Business Creation (SBC) 2023 - chương trình toàn cầu về sáng tạo kinh doanh xã hội do Trường ĐH HEC Montréal Canada (HEC) và GS Muhammad Yunus (đoạt giải Nobel Hòa bình 2006) khởi xướng, tổ chức và bảo trợ chuyên môn.

Khởi nghiệp với mít

"Lemit Foods" cũng đã lọt vào tốp 16/500 dự án sáng tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội toàn cầu, được chứng nhận là nhà đầu tư cộng đồng.

Chị Cao Thị Cẩm Nhung, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Lemit Foods, cho biết Hậu Giang quê chị có đến 9.000 ha trồng mít, nhiều thứ 2 sau Tiền Giang tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo các nghiên cứu trên thế giới, mít được xem là nguồn lương thực dự trữ trong tương lai nhờ giá trị dinh dưỡng rất cao khi sản xuất thành thịt thực vật. Thị trường thịt thực vật đang chiếm xu thế hiện nay, ước tính năm 2025 có thể đạt đến 500 triệu USD.

Có nhiều lý do khiến thịt thực vật ngày càng được chú trọng, như: tôn giáo, sức khỏe, môi trường. Đáng chú ý, ngành công nghiệp thịt ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, là một trong những tác nhân gây ra phát thải khí nhà kính, phá rừng và ô nhiễm nguồn nước. Trong đó, chăn nuôi và các ngành hỗ trợ chịu trách nhiệm 51% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Mối lo ngại ngày càng tăng đã thúc đẩy việc khám phá các nguồn protein (đạm) bền vững hơn, trong đó có đạm từ mít.

Nắm bắt xu hướng này, từ năm 2020, chị Nhung đã nghiên cứu chế biến các món ăn vặt từ mít theo kiểu món "mặn" (làm từ thịt). Thị trường đón nhận tích cực, Lemit Foods mạnh dạn đầu tư thêm nhà xưởng, máy móc để phát triển dự án. Đến nay, công ty đã phát triển 11 mã sản phẩm, gồm pa-tê mít, xíu mại mít, chả giò mít, kim chi mít, khô mít, thịt mít nguyên liệu…

"Mô hình kinh doanh của chúng tôi dựa trên nền kinh tế tuần hoàn, sử dụng phụ phẩm hoặc chất thải nông nghiệp như mít non, xơ mít và hạt mít làm nguyên liệu chính để tạo ra các sản phẩm thịt thực vật có giá trị cao. Cách tiếp cận này giúp giảm thiểu lãng phí và tối đa hóa hiệu quả tài nguyên. Chúng tôi mong muốn tạo sinh thái mít thay thế đạm động vật đầu tiên tại Việt Nam" - chị Nhung bày tỏ.

Theo Giám đốc Lemit Foods, nguồn nguyên liệu tại địa phương rất lớn bởi trong thời gian trồng, mít non được tỉa bớt để giúp các quả còn lại phát triển tốt. Vì vậy, dùng nguyên liệu mít non sẽ giúp gia tăng giá trị cây mít và bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Mít cũng là mặt hàng giá cả bấp bênh nên khi có nguồn thu ổn định từ mít non với giá 5.000 đồng/kg, nhà vườn được tăng thu nhập, giúp họ an tâm sản xuất. Hiện tại, mỗi tháng Lemit Foods thu mua 2-3 tấn mít non để sản xuất. Trong tương lai, khi thị trường mở rộng, công ty sẽ tăng mua nguyên liệu từ nông dân.

Biến mít non thành thịt - Ảnh 1.

Lemit Foods tham gia gian hàng tại một sự kiện khởi nghiệp trong nước

Tiếp tục đổi mới

Tham dự cuộc thi khởi nghiệp tại nước ngoài, đội ngũ Lemit Foods muốn học tập và áp dụng những kiến thức tiên tiến của thế giới, các mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội và kinh tế tuần hoàn xanh. Từ đó, triển khai kiến thức mình học được, áp dụng vào chính mô hình kinh doanh thực tế của Lemit Foods.

"Với kỳ vọng tăng tốc trong 5 năm tới, Lemit Foods đang mở rộng hợp tác với các nguồn lực phát triển bên ngoài bao gồm các chuyên gia về phát triển sản phẩm, tiếp thị và bán hàng, canh tác bền vững để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, tiết kiệm chi phí - chị Cao Thị Cẩm Nhung nhấn mạnh.

Tuy dự án có nhiều tiềm năng, nữ start-up quê Hậu Giang thừa nhận đang khởi nghiệp với mô hình kinh doanh mới và sản phẩm mới nên gặp nhiều thách thức. Doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều về nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới mất nhiều thời gian, tâm sức; bao gồm thời gian tiến hành thủ tục giấy tờ, chứng nhận liên quan chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

"Tuy có sự đón nhận ban đầu nhưng đây vẫn là những mặt hàng mới. Định vị sản phẩm dành cho người ăn chay, ăn kiêng, thực dưỡng vì sức khỏe nên việc tiếp cận của người tiêu dùng còn hạn chế. Chúng tôi cố gắng tận dụng ưu thế nguyên liệu tài nguyên của địa phương nhằm giảm giá thành sản phẩm nhưng vẫn bảo đảm giá trị dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu thay thế thịt cho người tiêu dùng, mở rộng đầu ra" - chị Nhung kỳ vọng.

Sản phẩm của Lemit Foods chủ yếu bán qua kênh online, các chùa và những đơn vị có nhu cầu cần thịt mít nguyên liệu để chế biến. Công ty còn triển khai tiếp thị và bán hàng đa kênh, bước đầu tập trung vào các kênh thương mại xã hội (Facebook, Droppii Shop, TikTok Shop); phát triển kênh đại lý; bán quà cho tổ chức và bắt đầu làm việc với đối tác xuất khẩu.

Trong năm 2023, nhà sản xuất thịt thực vật từ mít này đầu tư phát triển sản phẩm để cải thiện hương vị, mùi vị và kết cấu, bổ sung nhiều loại nước sốt và gia vị tươi ngon để đáp ứng các khẩu vị khác nhau nhằm biến các sản phẩm hiện có trở thành lựa chọn tiện lợi, linh hoạt và hấp dẫn. 

Đoạt nhiều giải khởi nghiệp

Năm 2023, Lemit Foods đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang 2023; tốp 12 dự án chung kết cấp vùng cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc 2023; tốp 100 doanh nghiệp Start-up Wheel với 2.000 doanh nghiệp toàn cầu tham gia.

Xem thêm: mth.52700450280013202-tiht-hnaht-non-tim-neib/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Biến mít non thành "thịt"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools