Thị trường có thêm tuần giảm điểm thứ 4 liên tiếp khi mở màn tuần đầu tiên của quý IV, tuy nhiên áp lực bán tháo đã được tiết chế và chỉ số chung đã có những nhịp hồi phục, giữ vững mốc 1.110 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản đang là yếu tố đáng quan tâm bởi lực cầu tham gia thị trường tiếp tục suy yếu với các phiên giao dịch liên tiếp duy trì dưới mức 15.000 tỷ đồng.
Với diễn biến tâm lý chung biến động thất thường, các tín hiệu kỹ thuật cho thấy thị trường chưa xác nhận kết thúc xu hướng giảm, tuy nhiên vùng đệm quanh 1.100 điểm vẫn khá vững chắc.
Theo ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên Phòng nghiên cứu khách hàng cá nhân, CTCK MBS, thị trường sẽ cần thêm thời gian tích lũy và kiểm định sức cung – cầu để thu hút dòng tiền nhập cuộc. Tuy vậy, dòng tiền thông minh có thể bắt đầu nhập cuộc trong tuần tới khi chỉ số VN-Index đã giảm 150 điểm (-11,98%) kể từ đỉnh và nhiều mã đã tạo mặt bằng giá mới, rủi ro cho việc mua mới hoặc cơ cấu danh mục đối với cổ phiếu đã giảm đáng kể; đồng thời thông tin kết quả kinh doanh quý III sẽ hé lộ dần.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng đầu tuần ngày 9/10, giao dịch vẫn duy trì trạng thái thận trọng và chỉ số VN-Index lình xình giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu do trạng thái phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip.
Trong bối cảnh chung không mấy tích cực, nhóm cổ phiếu hóa chất và phân bón đang ở thành tâm điểm đáng chú ý khi đồng loạt đua nhau khởi sắc. Bên cạnh cổ phiếu VAF sớm khoe sắc tím, các mã khác như DCM, DPM, DGC, BFC cũng đều tăng mạnh trên 2%.
Sau khoảng 1 giờ rung lắc trong biên độ hẹp, chỉ số VN-Index đã có những tín hiệu tích cực hơn khi sắc xanh đang lan rộng trên bảng điện tử, trong đó nhóm VN30 cũng diễn biến khởi sắc.
Bên cạnh các cổ phiếu phân bón tiếp tục nới rộng biên độ tăng với DCM có thời điểm tiến sát trần và hiện đang tăng hơn 5%, DPM tăng 3,8%, BFC tăng 3,4%, DGC tăng 2,8%..., các cổ phiếu nhóm dầu khí cũng đồng loạt khởi sắc. Trong đó, cặp đôi lớn GAS và PLX đang tăng tốt nhất rổ VN30 và đều đạt hơn 2%; các mã khác như PVD và PVS đều tăng trên dưới 3%, PVC tăng gần 7%...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng vẫn giằng co và điều chỉnh nhẹ bởi gánh nặng chính đến từ mã lớn VCB giảm 1,3%.
Mặc dù thanh khoản có chút cải thiện nhưng tâm lý thị trường giằng co của bên mua và bán khiến VN-Index khó tiến xa, chỉ số này chỉ lình xình trên mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 274 mã tăng và 165 mã giảm, VN-Index tăng 3,87 điểm (+0,34%) lên 1.132,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 313,19 triệu đơn vị, giá trị 7.108,82 tỷ đồng, tăng 20,6% về khối lượng và hơn 41% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 6/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 42,47 triệu đơn vị, giá trị 965,08 tỷ đồng.
Nhóm VN30 tăng 4,3 điểm với sự ghi nhận 11 mã tăng và 14 mã giảm, trong đó GAS vẫn là động lực chính của thị trường khi chốt phiên tăng 3%, đóng góp lớn nhất với gần 1,5 điểm cho chỉ số chung. Cổ phiếu tăng tốt tiếp theo là ACB và PLX cùng tăng hơn 2%.
Ngược lại, các cổ phiếu giảm chỉ trong biên độ trên dưới 1%, trong đó mã lớn dòng bank là VCB vẫn là lực cản lớn nhất của thị trường khi chốt phiên giảm 1,5% xuống mức thấp nhất trong phiên 84.100 đồng/CP, đã lấy đi hơn 1,77 điểm của chỉ số chung.
Về nhóm ngành, chính diễn biến của anh cả VCB đã khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục điều chỉnh nhẹ với sự đóng góp thêm của TCB, BID, OCB, HDB giảm nhẹ trên dưới 0,5%.
Nhóm chứng khoán vẫn tăng nhẹ nhưng giao dịch duy trì trạng thái nổi bật trên thị trường, với cặp đôi VND và VIX có thanh khoản dẫn đầu, đều đạt gần 13 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo là SSI khớp lệnh hơn 8,92 triệu đơn vị. Chốt phiên sáng, VND tăng 2,2%, VIX tăng nhẹ 0,7%, trong khi SSI giảm 0,2%.
Nhóm dầu khí với sự đóng góp của GAS và PLX đang thuộc top tăng tốt nhất thị trường khi có thêm PVS và PVD tăng hơn 3%...
Ở nhóm phân bón, VAF vẫn tăng trần, DCM tăng 4,4%, DPM tăng 3,3%, DGC tăng 2,53%...; nhóm thép cũng đều khởi sắc với HPG tăng 1,6%, HSG và NKG cùng tăng hơn 2%...
Trên sàn HNX, thị trường cũng duy trì diễn biến tích cực trong suốt cả phiên sáng nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu HNX30.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 89 mã tăng và 52 mã giảm, HNX-Index tăng 1,75 điểm (+0,76%) lên 232,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 41,4 triệu đơn vị, giá trị 805,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,61 triệu đơn vị, giá trị 7,96 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ còn 4 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu, trong đó TAR đã thoát nằm sàn nhưng vẫn giảm mạnh 8,6%, còn lại DXP, DTD, VCS giảm nhẹ trên dưới 1%.
Trái lại, nhóm này có tới 22 mã tăng, trong đó các mã tăng tốt là PVC tăng 6,1%, CEO tăng 4,3%, LAS tăng 3,8%, PVS tăng 3,5%...
Cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 11 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên sáng nay đứng giá tham chiếu 17.300 đồng/CP.
Trong nhóm dầu khí, bên cạnh PVC tăng mạnh và khớp hơn 1 triệu đơn vị, một thành viên khác là PVS cũng tích cực khi chốt phiên tăng 3,5% và thanh khoản chỉ thua SHS với hơn 4 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,32%), xuống 86,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 17,25 triệu đơn vị, giá trị 279,27 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,39 triệu đơn vị, giá trị 96,94 tỷ đồng.
Trong cùng xu hướng chung, cặp đôi cổ phiếu dầu khí trên UPCoM là điểm sáng của thị trường, với BSR chốt phiên tăng 4,6% và thanh khoản dẫn đầu với hơn 6,85 triệu đơn vị giao dịch thành công; còn OIL chốt phiên tăng 4%, thanh khoản đứng ở vị trí thứ 4 với hơn 0,62 triệu đơn vị giao dịch.
Bên cạnh các cổ phiếu dầu khí, cổ phiếu phân bón trên UPCoM là DDV cũng ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc khi chốt phiên tăng 5,4% và thanh khoản chỉ thua BSR với hơn 1,34 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công.