Theo Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An, qua 2 năm triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chỉ số chuyển đổi số của Long An tăng dần qua các năm (năm 2020 xếp hạng 27, năm 2021 xếp thứ 21, năm 2022 đứng thứ 11 trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước).
Hạ tầng đồng bộ
Trong thời gian qua, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh tại Long An được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các nền tảng số, các phần mềm dùng chung đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả, phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, kết nối liên thông với các hệ thống của bộ, ngành, với chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp được nâng lên.
Đến nay, 100% sở, ngành của tỉnh, ủy ban nhân dân các cấp triển khai sử dụng đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% cán bộ, công chức các cấp được trang bị máy tính; 100% sở, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện triển khai mạng nội bộ, thiết bị tường lửa bảo vệ hệ thống mạng.
Long An đã xây dựng, đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) và kết nối, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành với địa phương (đã triển khai được 22 dịch vụ). Ngoài ra, tỉnh triển khai kết nối 6 dịch vụ vào các hệ thống của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành thông qua LGSP. Các dịch vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu chủ yếu được kết nối vào các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh để phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính, xử lý công việc của các cơ quan nhà nước, vận hành các dịch vụ đô thị thông minh, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan và cung cấp thông tin, dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hoàn thành giải pháp kỹ thuật xây dựng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, hình thành Cổng dữ liệu mở (https://data.longan.gov.vn) và Cổng dữ liệu bản đồ số (GIS) của tỉnh (https://gis.longan.gov.vn). Khai thác dữ liệu đã được đưa vào Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh.
Song song đó, đã xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh và khai thác các dịch vụ đô thị thông minh thiết yếu. Bước đầu triển khai xây dựng hạ tầng mạng Internet vạn vật (IoT) như hệ thống camera thông minh phục vụ giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ số thiết yếu khác (y tế, giáo dục hành chính công, tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội) kết nối với Trung tâm IOC của tỉnh; triển khai các hệ thống IoT giám sát môi trường, quan trắc tại Trung tâm Quan trắc của tỉnh. Đặc biệt, TP. Tân An đã xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh của Thành phố.
Kết quả tích cực
Về chính quyền số, các hệ thống ứng dụng dùng chung của tỉnh thường xuyên được rà soát, nâng cấp, đáp ứng theo quy định và duy trì khai thác sử dụng hiệu quả, với tỷ lệ sử dụng tăng dần qua các năm. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt tỷ lệ 100%, cấp xã đạt 99,99%. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số cấp tỉnh, huyện đạt 99,93%, cấp xã đạt 99,92%. Tỷ lệ sử dụng hộp thư điện tử công vụ của tỉnh đã cấp đạt 92% (trong đó, thư điện tử đơn vị là 98%, cá nhân là 90%).
Duy trì triển khai đồng bộ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phục vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Cung cấp thông tin tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ qua Cổng dịch vụ công, Zalo, ứng dụng “Long An Số”... Trong 8 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết đúng hạn công bố trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đạt 99,7%.
Các cấp, các ngành tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tỉnh Long An áp dụng giảm 50% lệ phí nộp hồ sơ trực tuyến; các cơ quan, địa phương lấy tuần lễ đầu tiên hàng tháng làm cao điểm triển khai các hoạt động ra quân tuyên truyền, hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; thành lập các đội tình nguyện hướng dẫn cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ trực tuyến…
Tính đến tháng 8/2023, Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp gần 1.600 dịch vụ công trực tuyến (đạt 84,23%); có 570 dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến (đạt 97,10%) và trên 312.000 hồ sơ nộp trực tuyến (đạt 94,91%). Kết nối 1.480 dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia (tăng 1.300 dịch vụ so với năm 2020).
Về kinh tế số, Long An đã triển khai hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, có gần 66.500 tổ chức, cá nhân bán hàng trên 2 sàn là https://postmart.vn và https://voso.vn, với khoảng 8.400 sản phẩm. Ngoài ra, có 180 gian hàng với khoảng 480 sản phẩm được trưng bày trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh (longantrade.com).
Ngành nông nghiệp duy trì ứng dụng công nghệ số (blockchain, mã QR) trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Đến nay, đã hỗ trợ hơn 2 triệu tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR đối với 17 cơ sở đã được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho 57 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đồng thời, triển khai hệ thống kết nối cung - cầu nông sản an toàn của tỉnh (https://nongsanantoanlongan.vn) với 350 cơ sở sản xuất - kinh doanh và hơn 38 sản phẩm đã được đăng tải phục vụ người dân.
Ngành công thương tỉnh đã phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh. Hiện có 1 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, hơn 280 cửa hàng tiện ích, trên 40 chợ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt…
Kinh tế số bước đầu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; doanh nghiệp từng bước chuyển đổi số, nhiều hình thức hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 277 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động, với khoảng 4.700 lao động.
Về xã hội số, đến nay, tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 86%, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt khoảng 88%. Hiện có 100% cơ sở y tế, giáo dục thanh toán chi phí dịch vụ y tế, học phí không dùng tiền mặt; chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua ATM ở khu vực đô thị đạt 66,79%, chi trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đạt 96,83%, chi trợ cấp thất nghiệp đạt 98,15%.
Tỉnh đã đưa vào vận hành nền tảng công dân số “Long An Số”, Tổng đài 1022, Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị (https://1022.longan.gov.vn) để tiếp nhận và công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của cơ quan nhà nước với người dân. Ứng dụng “Long An Số” được phát hành trên các kho ứng dụng phổ biến, đồng thời xây dựng Mini App “Long An Số” trên nền tảng Zalo giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ thiết yếu.
Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành công tác triển khai thí điểm chuyển đổi số toàn diện cho 3 đơn vị cấp xã (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành; thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc; phường 4, TP. Tân An), với các mô hình thúc đẩy người dân tham gia chuyển đổi số như “Ngày thứ Tư không hẹn”; “Cán bộ công chức hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến”; “Thanh niên với Chuyển đổi số”; “Đội hình IT Xanh”… Từ mô hình này, Long An triển khai nhân rộng ra toàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, Tỉnh ủy Long An đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp tập trung thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với Đề án 06 của Chính phủ và các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số; xem đây là một trong những đột phá quan trọng góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Tỉnh sẽ bổ sung, phát triển các chương trình, kế hoạch về xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, đảm bảo phù hợp với định hướng chuyển đổi số của tỉnh. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng; đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo trong môi trường số; phát triển nguồn nhân lực; tạo động lực chuyển đổi số nhanh và bền vững…