Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết tỉnh này đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án giải phóng mặt bằng di tích khảo cổ An Sơn, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, Long An.
Chủ đất khu di tích bất ngờ
Đây là di tích nằm phía sau chùa Đất (Phước Trường Cổ Tự) ở ấp Lợi Sơn, xã An Ninh Tây, được người Pháp phát hiện từ năm 1938. Năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Theo dự án vừa được phê duyệt, năm 2024 Long An sẽ thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng di tích khảo cổ An Sơn với tổng diện tích khoảng 10.020m2, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 32 tỉ đồng.
Tuy nhiên, thông tin trên cũng làm một số người dân khu vực chung quanh khu di tích An Sơn khá ngạc nhiên, bởi sau khi khai quật và lấp đất, nơi đây chỉ còn là những khu vườn nhà dân, một phần đất được trồng cây ăn trái, một phần cây cối mọc tự nhiên, thậm chí được người dân sử dụng làm bãi rác, khu vực vệ sinh… Bởi từ khi trở thành khu di tích quốc gia cho đến nay, toàn bộ khu vực này vẫn là đất của người dân.
Chỉ một khu vực là bãi rác trước đây đã từng được khai quật sau vườn nhà mình, ông Huỳnh Văn Phúc (42 tuổi) cho biết đất này của gia đình ông đã nhiều thế hệ, đến nay thuộc quyền sở hữu của ông.
"Hồi xưa chỗ đó đào xong rồi tui với cha thuê người lấp đất lại. Tưởng đào vậy là xong rồi nên dần dần cũng quên, chiều chiều gom về tới đó đổ. Gần đây nghe người ta bàn tán tỉnh sẽ mua lại đất này nhưng không biết thực hư ra sao, cũng không hiểu để làm gì", ông Phúc nói.
Bảo tồn di tích An Sơn để thúc đẩy du lịch khảo cổ
Ông Nguyễn Tấn Quốc - phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An - giải thích An Sơn là tên địa danh xưa. Di tích này là một gò đất cách sông Vàm Cỏ Đông 280m với diện tích khoảng 10.000m2, đã trải qua các lần khai quật vào năm 1978, 1997, 2004, 2007, 2009 do nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế thực hiện.
"Do khu vực di tích này là đất thuộc quyền sở hữu của người dân từ trước, nên kể cả những lần khai quật trước đây đều phải xin phép người dân", ông Quốc nói.
Các lần khai quật đã phát hiện một khối lượng lớn di vật đồ sinh hoạt, trang sức, vật dụng lao động từ nhiều chất liệu như gốm, đá, vỏ nhuyễn thể, xương, sừng, răng của các loài thú rừng đã tuyệt chủng trên vùng đất này như cá sấu, cheo cheo, khỉ, voọc, bò rừng, hổ, hươu, nai, chồn, cáo…
Đặc biệt đã phát hiện 33 mộ táng, trong đó có một số di cốt tương đối còn nguyên vẹn với nhiều đồ tùy táng.
Các nhà khoa học đánh giá đây là di chỉ khảo cổ học thời đại đá mới lớn nhất được tìm thấy ở miền Nam Việt Nam, có thể đã bắt đầu hình thành từ cách đây khoảng 4.500 năm.
"Tầng văn hóa và giá trị di tích ở đây nằm trong lòng đất chứ không phải trên mặt đất nên nhìn vào thì không thấy được. Những lần khai quật trước cũng phải đào từ 3m trở xuống mới tiếp cận được các di chỉ khảo cổ. Do đất di tích có diện tích lớn, lại thuộc quyền sử dụng đất của người dân nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Sợ người dân canh tác, xây dựng nhà cửa làm xáo trộn về mặt địa tầng, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích nên trước hết phải thu hồi lại đất của người dân thì mới có thể lên các phương án tiếp theo trong việc bảo tồn di tích, thúc đẩy tiềm năng du lịch khảo cổ…", ông Quốc nói thêm.
Về việc thực hiện chủ trương dự án này, UBND tỉnh giao UBND huyện Đức Hòa triển khai, kê biên và thu hồi để quản lý.
Nhóm nghiên cứu Vật lý Hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản & Ứng dụng (IFAS), ĐH Duy Tân vừa tham gia đồng chủ trì một bài báo quốc tế trong lĩnh vực Khoa học Khảo cổ.