Theo bà Hiền, thời gian qua các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ hoàn tất hồ sơ pháp lý và các biện pháp ngoại giao văn hóa để đàm phán, thương lượng với hãng đấu giá Millon cùng các cơ quan văn hóa, ngoại giao của Pháp.
Đàm phán đạt được thỏa thuận là hãng đấu giá Millon không đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo mà thông qua thương lượng, bồi thường quyền lợi cho các bên liên quan đến sở hữu ấn vàng để có thể đưa ấn về nước.
Bà Hiền cho biết theo Luật Dân sự của Pháp, những người sở hữu một tài sản nhiều năm và không có tranh chấp, kiện tụng thì người ấy được công nhận sở hữu tài sản đó.
Thế nên ấn vàng Hoàng đế chi bảo được luật pháp của Pháp bảo hộ quyền sở hữu. Vì vậy để hồi hương ấn vàng thì cần bồi thường quyền lợi cho những người sở hữu.
Như vậy, đoàn đàm phán của Việt Nam sau nhiều nỗ lực ngoại giao đã thương lượng được giá bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu theo luật của Pháp chứ không phải mức giá theo thị trường.
Về tiến trình hồi hương ấn vàng, bà Hiền cho biết phía Việt Nam vừa hoàn thành các thủ tục liên quan là hai loại giấy tờ để có thể xuất khẩu cổ vật ra khỏi nước Pháp và xuất khẩu cổ vật ra khỏi châu Âu.
Luật sư đại diện cho phía Việt Nam và luật sư đại diện cho phía nhà đấu giá Millon đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan đến ấn vàng, là thủ tục từ bỏ quyền sở hữu ấn vàng của những người liên quan trước khi bàn giao cho Việt Nam, hoàn thiện hồ sơ gốc để phía Việt Nam có cơ sở làm các thủ tục nhập khẩu ấn vàng về nước.
"Dự kiến cuối tháng 10 này tất cả thủ tục pháp lý liên quan tới ấn vàng sẽ hoàn tất để có thể giao lại cho chúng ta và từ đó lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch sẽ chỉ đạo Cục Di sản văn hóa phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các bộ ngành và các cơ quan liên quan làm các thủ tục pháp lý để tiến hành đưa ấn vàng về nước", bà Hiền nói.
Trước đó, thông tin một nhà sưu tập tư nhân ở Bắc Ninh mua được ấn vàng này để hồi hương cũng khiến dư luận đặt câu hỏi sau khi ấn vàng về nước sẽ thuộc sở hữu của tư nhân hay Nhà nước. Câu hỏi này hiện chưa có câu trả lời rõ ràng từ phía Cục Di sản văn hóa.
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa khẳng định dù ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" thuộc sở hữu cá nhân, cũng không có chuyện cổ vật quý giá này lại bị bán ra nước ngoài một lần nữa.