Theo đó, ông Hà Sỹ Đồng - phó chủ tịch UBND tỉnh - ký văn bản gửi Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet đề nghị phối hợp với Quảng Trị nghiên cứu, khảo sát để thống nhất phương án xây kè sông Sê Pôn, hoàn chỉnh hồ sơ trình trưởng Đoàn đại biểu biên giới Việt Nam - Lào.
Sê Pôn là con sông biên giới tự nhiên giữa tỉnh Quảng Trị và Savannakhet.
Sông biên giới sạt lở, cuốn trôi nhà dân trong đêm
Nghe tin dự báo miền Trung mưa lớn 10 ngày liên tiếp, ông Phạm Văn Du - 47 tuổi, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa - lại đứng ngồi không yên vì lo lắng sạt lở bờ sông. Căn nhà xây cấp 4 tuềnh toàng của ông chỉ còn cách bờ sông Sê Pôn cỡ 20m.
Nhiều năm qua, bờ sông qua nhà ông gấp khúc, bị nước lũ chảy mạnh tống thẳng vào khiến sạt lở dần. "Nghe mưa là cả nhà tôi thức trắng đêm, tài sản cũng soạn sẵn phòng có sạt lở thì sơ tán ngay", ông Du nói.
Mùa mưa lũ năm 2020, căn nhà của hai hộ dân trước nhà ông Du đổ sập xuống sông trong đêm càng khiến ông lo lắng.
Tối đó, vợ chồng chủ nhà ngủ ở phòng khách phía trước nên thoát nạn, gian bếp và phòng ngủ phía sau bị cuốn phăng xuống sông Sê Pôn. Sau mưa lũ, hai gia đình này phải di dời đi nơi khác.
Theo UBND huyện Hướng Hóa, sạt lở bờ sông Sê Pôn các năm qua ảnh hưởng đến nhà ở, đất ở của 65 hộ dân, đất sản xuất của nhiều hộ dân khác và bờ sông có nguy cơ sạt lở thêm qua các mùa mưa lũ.
Ngăn thay đổi hiện trạng đường biên giới trên sông
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị, sông biên giới Sê Pôn đi qua 7 xã, thị trấn thuộc huyện Hướng Hóa, dài 59,77km.
Với đặc điểm địa hình sông ngắn và dốc, nhiều đoạn gấp khúc, địa chất bờ sông pha cát, rời rạc, vào mùa mưa lũ nước sông dâng cao 5 - 10m, nước chảy xiết làm bờ sông phía Việt Nam sạt lở nghiêm trọng.
Theo khảo sát tháng 5-2023, đoạn bờ sông Sê Pôn từ mốc quốc giới 606(1) đến 607(1) qua 5 xã, thị trấn có 14 đoạn sạt lở, dài 12,7km.
Đặc biệt, xói lở bờ sông có nguy cơ làm sạt lở 2 mốc quốc giới 606(1) và 607(1), thay đổi dòng chảy tự nhiên dẫn đến thay đổi hiện trạng đường biên giới trên sông Sê Pôn, gây khó khăn cho xác định chính xác đường biên giới và công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Đại tá Lê Văn Phương - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị - đánh giá việc xây dựng kè chống sạt lở là giải pháp cần thiết, cấp bách để khắc phục sạt lở, hạn chế thay đổi hiện trạng, hướng đi của đường biên giới.
Bộ đội biên phòng Quảng Trị đề xuất xây dựng 14 đoạn kè, dài từ 562 - 2.285m. Kè xây dựng theo 2 phương án, một số đoạn kè hộ chân kèm gia cố mái, một số chỉ cần kè hộ chân.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, việc xây dựng kè sông biên giới Sê Pôn sẽ hạn chế thấp nhất thay đổi hiện trạng, hướng đi của đường biên giới trên sông Sê Pôn, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra và bảo vệ các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, đất sản xuất khu vực bờ sông biên giới phía Việt Nam; ổn định đời sống dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tạo điều kiện cho công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới; ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm và vi phạm Hiệp định về quy chế biên giới.
Trên đường đi dạy về, hai cô giáo ở huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An bị đất, đá từ trên đồi cao sạt lở tràn xuống vùi lấp.