Mua ròng 19.000 tỉ đồng, bất chấp khối ngoại bán ròng chứng khoán
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Tâm điểm vĩ mô và thị trường chứng khoán quý 4-2023" do VietnamBiz phối hợp Câu lạc bộ CFO Việt Nam tổ chức hôm nay 10-10, ông Đào Minh Châu - phó giám đốc phân tích cổ phiếu thuộc SSI Research - cho biết dù trải qua biến động nhưng từ đầu năm đến nay chỉ số chứng khoán VN-Index vẫn tăng khoảng 20%.
Đáng chú ý, nhóm nhà đầu tư cá nhân mua ròng tới 19.000 tỉ đồng cổ phiếu trong ba quý qua, trái ngược mức 16.000 tỉ đồng bán ròng ở cả năm trước, bất chấp khối ngoại bán ròng.
Hiện nay nhà đầu tư cá nhân đang chiếm khoảng 85% tổng giá trị giao dịch. Số tài khoản chứng khoán do cá nhân mở mới từ đầu năm đến nay cũng tăng vọt, tiệm cận giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh.
Sở dĩ chứng khoán vẫn thu hút nhà đầu tư vì xuất hiện dòng tiền rẻ, doanh nghiệp có nguồn tiền dư do việc kinh doanh ở nền kinh tế thực không sôi động, thị trường trái phiếu gặp khó...
Về việc gần đây chứng khoán Việt có nhịp giảm mạnh, chuyên gia của Chứng khoán SSI cho rằng đây là diễn biến tương đồng thế giới. Thời gian tới, chứng khoán đối mặt một số rủi ro, nhưng được hỗ trợ bởi các thông tin như khả năng nâng hạn thị trường từ cận biên lên mới nổi, hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) vận hành vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Chính sách tiền tệ sẽ khó nới lỏng hẳn
Ông Trần Ngọc Báu - tổng giám đốc Công ty cổ phần dữ liệu và công nghệ tài chính WiGroup - chia sẻ trong hai quý tới áp lực tỉ giá có thể căng thẳng hơn. Vì nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, thặng dư thương mại cũng không lớn như hiện nay. Từ đầu năm 2024 lạm phát khả năng tăng nhanh, nếu giá dầu căng thẳng thì lạm phát tiêu cực hơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng, nhưng kênh này vẫn tăng chậm. Nhà đầu tư chú ý vào câu chuyện tăng trưởng huy động vốn, tín dụng cuối năm nay để có quyết định phù hợp.
Dự báo năm 2024, nền kinh tế Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa thể bứt tốc.
Về chính sách tiền tệ, ông Báu cho rằng vào năm tới Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách cân bằng, không nới lỏng cũng không thắt chặt hẳn, có nghĩa vừa đủ để tín dụng tăng trưởng nhằm hỗ trợ kinh tế, vừa ổn định tỉ giá và lạm phát.
Chứng khoán sắp tới vẫn có điểm sáng, nhưng hạn chế mua đuổi
Ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam - cho biết trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 9 vừa qua, thanh khoản trung bình trên thị trường chứng khoán đạt 1 tỉ USD/phiên, top 3 khu vực Đông Nam Á.
Gần đây thanh khoản sụt giảm, do nhà đầu tư lo ngại lãi suất tăng, đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh gây áp lực lên tỉ giá...
Với diễn biến hiện nay, nhà đầu tư cần bám sát kết quả kinh doanh quý 3-2023 của các doanh nghiệp, từ đó lựa chọn cổ phiếu tiềm năng.
Năm 2024, dự báo thị trường chứng khoán có khả năng tăng, nhưng xen kẽ hai bức tranh trái chiều. Cụ thể, nửa đầu năm thị trường đối mặt rủi ro về suy thoái và khủng hoảng kinh tế. Song sang nửa cuối năm, thị trường được hỗ trợ nhờ một số ngành có thể đã qua giai đoạn khó khăn nhất và chuyển biến tích cực hơn.
Theo ông Đào Minh Châu, nửa cuối năm 2023 các ngành tăng trưởng lợi nhuận dương không nhiều, gồm: chứng khoán, thép, dầu khí, công nghệ. Năm tới, tăng trưởng lợi nhuận tất cả doanh nghiệp niêm yết ước đạt 17%, cải thiện ở nhóm bán lẻ, thép, phân bón và thủy sản.
"Nhà đầu tư chỉ nên cân nhắc mua vào khi thị trường điều chỉnh, hơn là mua đuổi", ông Châu nói, đồng thời cho biết hiện tại nhiều cổ phiếu đã tăng theo kỳ vọng.
Trên thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn đã chủ động công bố thông tin bằng tiếng Anh. Trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ công bố thông tin bằng tiếng Việt còn có lỗi.