Tối 10-10 tại Hà Nội, cuộc thi dành cho các nghệ sĩ hóa trang, trang điểm chuyên nghiệp, các bạn trẻ đam mê môn nghệ thuật này đã được công bố với tên gọi "Vietnam Virtual Face" năm 2023.
Đây là chủ đề của cuộc thi, đồng thời "Vietnam Virtual Face" cũng là cơ hội, động lực, bệ phóng giúp các thí sinh - những người nghệ sĩ hóa trang, trang điểm tương lai có cơ hội trải nghiệm, thử thách phấn đấu để sớm thành danh trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, chị Thùy Đào - giảng viên ngành hóa trang Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, trưởng ban tổ chức cuộc thi - chia sẻ là nghệ sĩ hóa trang, chị nhận thấy nhu cầu nhân lực hóa trang của các sân khấu, nhà đài, đoàn làm phim rất lớn nhưng thực tế vẫn rất thiếu.
Thêm vào đó, từ trước đến giờ chưa có cuộc thi, sân chơi lớn nào để các bạn trẻ đam mê bộ môn nghệ thuật này được giao lưu, thể hiện tài năng.
Tham gia cuộc thi với vai trò cố vấn chuyên môn, thầy Nguyễn Chí Dũng - trưởng bộ môn thời trang, phó trưởng khoa mỹ thuật Trường đại học Kiến trúc Hà Nội - khẳng định nếu so sánh với thị trường thế giới, năng lực về hóa trang của Việt Nam không hề kém cạnh. Tuy nhiên, sân chơi và cơ hội cho các bạn make up artist còn hạn chế.
Thiếu nghệ sĩ hóa trang
"Nghệ thuật hóa trang giúp chúng ta có thể bắt gặp được những nhân vật chúng ta không nghĩ sẽ gặp ngoài đời. Tôi tin tưởng, thông qua cuộc thi này với những hạng mục ban tổ chức đã đưa ra chắc chắn sẽ tìm được nhân tố phục vụ tốt cho ngành", thầy Dũng nói.
Là một nghệ sĩ, đạo diễn gạo cội của điện ảnh Việt, đạo diễn Trần Lực cho rằng đến thời điểm hiện tại mới có một cuộc thi cho các nghệ sĩ trong ngành hóa trang, trang điểm là hơi muộn.
Trong cuộc thi, các thí sinh sẽ tham dự với ba hạng mục gồm: hóa trang, make up (trang điểm) và face/body painting. Qua hai vòng thi hồ sơ và sơ khảo, 60 thí sinh xuất sắc sẽ được lựa chọn để cùng nhau tranh tài tại đêm chung kết diễn ra vào 27-11 tại Hà Nội.
Thí sinh tham gia bằng cách thể hiện ý tưởng, tác phẩm dự thi của mình dưới dạng bản vẽ, phác thảo, face chart trên giấy bằng tay hoặc bản kỹ thuật số bằng máy; ngoài ra thí sinh cũng có thể gửi hình ảnh/bản scan tác phẩm về ban tổ chức. Mỗi thí sinh có thể gửi nhiều tác phẩm, tham gia nhiều hạng mục của cuộc thi.
Cuộc thi chính thức diễn ra từ ngày 10-10 đến hết tháng 11-2023. Tổng trị giá giải thưởng cho các hạng mục của cuộc thi lên đến 1 tỉ đồng.
Múa rối, múa lân, hát bội, cải lương... Các loại hình nghệ thuật truyền thống đã tạo nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà thiết kế trẻ sáng tạo những bộ trang phục văn hóa dân tộc độc đáo.