Là phó chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam trẻ nhất vừa được bầu, bà Nguyễn Thị Lan Anh kỳ vọng cần chia sẻ nhiều hơn các câu chuyện thành công của người khuyết tật Việt Nam để họ vươn lên, đóng góp ngược lại cho xã hội.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà Lan Anh nói:
- Có người nói tôi phi thường nhưng tôi nghĩ mình cũng là người làm công ăn lương, có gia đình phải lo lắng, một ngày cũng chỉ có 24 tiếng như bao người. Nhưng lúc khó khăn, tôi có đồng đội rất tốt, năng động.
Ở vị trí mới, tôi có thêm cơ hội thực hiện sứ mệnh để chúng ta thực thi tốt hơn Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật dù con đường chúng tôi đang đi còn nhiều khó khăn.
Đừng đối xử phân biệt
* Liên hiệp hội sẽ thúc đẩy vai trò thế nào để giúp người khuyết tật vươn lên?
- Liên hiệp hội sẽ nâng cao vai trò phản biện xã hội, đóng góp ý kiến để Nhà nước có chính sách phù hợp, hiệu quả hơn với cộng đồng 7,2 triệu người khuyết tật.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy chính sách công phải đảm bảo dung hòa giữa Nhà nước - tư nhân - xã hội như thế kiềng ba chân.
Nhà nước có chính sách phù hợp, huy động nguồn lực xã hội thì tổ chức xã hội như liên hiệp hội sẽ phát huy được tác động trợ giúp và hỗ trợ người khuyết tật được sống độc lập, không phụ thuộc vào gia đình, xã hội và trở thành công dân tích cực, đóng góp ngược lại cho đất nước.
Trong bối cảnh các tổ chức, quốc gia giảm nguồn lực cho các nước đã thoát nghèo như Việt Nam, chúng ta phải huy động nguồn lực trong nước để trợ giúp bền vững cho người khuyết tật. Các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan tận dụng rất tốt các cơ chế và không cần quá nhiều sự hỗ trợ từ quốc tế.
* Đâu là điều cần làm ngay khi mở đầu nhiệm kỳ 2023 - 2028?
- Trước mắt, tôi kỳ vọng cơ quan chức năng sẽ sửa đổi một số luật liên quan, cụ thể là Luật Việc làm 2013 và Luật Người khuyết tật 2010 để đảm bảo quyền tham gia nhiều hơn của người khuyết tật vào các lĩnh vực của xã hội, cũng là phù hợp hơn với Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật.
Việc góp ý sửa luật để người khuyết tật dễ dàng tìm việc, được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, thậm chí cần ưu tiên tuyển vào khối công chức, viên chức. Có thể quy định cụ thể tỉ lệ phần trăm cần tuyển người khuyết tật làm việc vì họ có thể làm được nhiều ngành nghề khác nhau. Ở một vài nước, đơn vị từ chối tuyển người khuyết tật có thể phải ra tòa.
Chúng ta rất thiếu giáo viên dạy cho nhóm trẻ điếc, trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, thiếu cả cơ sở vật chất, học liệu. Nếu các em này không được hỗ trợ, đồng hành sẽ không thể tự vươn lên. Cần sửa đổi định nghĩa người khuyết tật trong Luật Người khuyết tật 2010 theo hướng mô hình xã hội thay vì mô hình y tế, từ thiện, cả những nội dung chưa theo kịp Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.
Trao quyền, trao cơ hội
* Thực ra vẫn có ý kiến và nhiều người khuyết tật cũng mong được trao "cần câu" hơn là "con cá"?
- Đúng vậy, có thể tạm hiểu "cần câu" ở đây là chính sách. Sau đó mới tới cách làm mồi câu, đường đi tới hồ câu và cách giữ con cá, chế biến hoặc mang cá ra chợ bán chính là quá trình thực hiện chính sách. Cần nâng cao nhận thức của người xung quanh. Người khuyết tật có thể sống độc lập và gia đình không phải quá bao bọc, chăm lo đâu.
Điều cần là xã hội đảm bảo tiếp cận môi trường vật chất cho người khuyết tật như có đường di chuyển cho xe lăn, đường dẫn cho người mù, phiên dịch ký hiệu cho người câm điếc... Nhiều chủ doanh nghiệp chưa hiểu hoặc chưa biết cách điều chỉnh cơ sở vật chất, có thể liên hệ với chúng tôi vì có bộ phận hỗ trợ, chi phí bỏ ra gần như bằng 0.
Thay vì thông tin bi lụy, truyền thông hướng tới chia sẻ gương điển hình, tiên tiến, lao động giỏi. Khi có những điều kiện như thế, người khuyết tật sẽ đi học, nâng cao trình độ, kiếm được việc làm, tạo ra thu nhập, đóng thuế, hỗ trợ lại xã hội.
* Nhưng câu chuyện chính sách, thay đổi cơ chế là điều không đơn giản?
- Cùng với nguồn vốn, nhân lực, chúng tôi cần sự ủng hộ, cam kết, hỗ trợ của các nhà tài trợ, bộ ngành liên quan, làm sao đảm bảo mọi người được tiếp cận. Chẳng hạn quy định nêu rõ xe buýt đảm bảo người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật đều có thể tiếp cận được thì đơn vị vận tải phải mua xe gầm thấp, có đường lên xuống, tay nắm cho người đi xe lăn.
Chính sách và khâu thực hiện cần đồng bộ, tránh tình trạng hiểu chưa hết, hiểu sai về chính sách. Người khuyết tật có những thiệt thòi nhưng không cần thương hại hay cứu trợ mà cần sự quan tâm, giúp đỡ. Quan trọng là tạo cơ chế để họ hòa nhập xã hội, tự làm chủ cuộc sống, đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội.
Sống chân thành, sẽ có người hỗ trợ
* Bà chia sẻ gì với các bạn trẻ, nhất là những bạn khuyết tật?
- Cứ đi sẽ đến, không đi sẽ không bao giờ đến. Ai cũng cần có đồng đội hiểu ý tưởng, hoài bão và hiện thực nó. Chúng ta cứ tận hưởng cuộc sống vì cuộc đời rất tươi đẹp. Thay vì nghĩ điều đau khổ, bi lụy, tại sao không đọc một cuốn sách hay, xem một bộ phim ý nghĩa, tám chuyện với bạn bè.
Những điều đó sẽ giúp bạn giải tỏa tâm lý, yêu đời, đóng góp và cống hiến nhiều hơn. Khi mình sống chân thành, sẽ có người hỗ trợ mình và hãy luôn nhớ nguyên tắc "nhân quả".
TTO - Ở Việt Nam có 6,2 triệu người khuyết tật, vậy tại sao không thấy người khuyết tật ở những nơi như vậy, ở các nhà hàng, các cơ quan, các nơi vui chơi giải trí?