Dữ liệu GPS đã… lỗi thời?
Tháng 9 vừa qua, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận thông báo công khai việc thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với 53 chiếc xe kinh doanh vận tải gắn có dữ liệu GPS do đã vi phạm tốc độ vượt quá 5 lần/1.000km/tháng. Trong đó, có chiếc xe vi phạm đến 735 lần.
Nhưng tréo ngoe là những vi phạm trên diễn ra từ tháng 7, mãi đến tháng 9 mới ra quyết định xử lý được.
Theo một cán bộ có trách nhiệm của sở, cứ mỗi tháng Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tổng hợp dữ liệu GPS.
Địa phương sẽ căn cứ trên dữ liệu đó mà ra quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với các xe đã vi phạm do mình quản lý. Quy trình xử lý như vậy mất khoảng 2 tháng mới hoàn tất.
"Như vậy, xe vi phạm từ tháng 7 thì đến tháng 9 mới xử lý được. Trong khoảng thời gian tháng 8, chiếc xe này tiếp tục vi phạm. Quyết định xử phạt của tháng 7 đã lỗi thời, không phù hợp nữa", một đại diện nhà xe phân tích.
Đại diện nhà xe trên nói thêm: "Khi bị thu hồi phù hiệu cũ, nhà xe tiếp tục đăng ký xin cấp lại phù hiệu mới. Theo quy trình đăng ký, từ 3-5 ngày sẽ có phù hiệu mới. Như vậy, cùng một chiếc xe vi phạm đó chỉ mấy ngày sau lại có phù hiệu mới. Cứ như vậy sẽ không răn đe được nhà xe hay tài xế bằng dữ liệu GPS".
Nhiều xe bị "phạt oan"
Nhiều nhà xe kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định ở tỉnh Bình Thuận cho biết bị "phạt oan" vì dữ liệu GPS. Cụ thể, thời gian qua có nhiều tuyến cao tốc mới đưa vào hoạt động, để đáp ứng nhu cầu khách hành khách, nhiều nhà xe chạy vào đường cao tốc cho thuận tiện.
Tuy nhiên, tuyến cao tốc chưa cập nhật vào lộ trình nên dữ liệu GPS mặc nhiên thông báo vi phạm tốc độ. Chưa kể, nhiều đoạn đường trên tuyến cố định đã thay đổi hạn chế tốc độ nhưng dữ liệu GPS không cập nhật thông tin. Mặc dù chạy đúng tốc độ nhưng nhiều xe vẫn "dính đòn" là vậy.
Một cán bộ Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận thừa nhận nhiều GPS đã lắp từ… 8 năm trước. Trong khi hệ thống biển báo, tuyến đường giao thông liên tục thay đổi.
Ngoài ra, GPS lắp trên xe không có kiểm định, niêm phong theo chu kỳ như các camera giám sát tốc độ của cảnh sát giao thông nên cơ quan chức năng không thể lấy dữ liệu này mà phạt nóng.
Trong quá trình tuần tra kiểm soát trên đường, cán bộ chức năng phát hiện nhiều xe phù hiệu không còn hiệu lực nên quyết định xử phạt bổ sung.
Còn phí truyền dữ liệu hiện nay mỗi tháng nộp 80.000 đồng, tương ứng với 1 triệu xe thì mỗi năm doanh nghiệp tốn gần 1.000 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp vận tải tốn khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm để truyền dữ liệu về nhưng hệ thống máy chủ hạ tầng tiếp nhận thông tin của Cục Đường bộ Việt Nam ra sao?