Đó là chia sẻ của ông Lê Quang Tự Do khi đề cập đến các chính sách của cơ quan quản lý nhằm kiểm soát thông tin giả lan truyền trên mạng xã hội.
Trao đổi tại phiên tọa đàm trong khuôn khổ sự kiện phát động "Chiến dịch Tin" nhằm hạn chế tin giả, lừa đảo và hướng dẫn người dùng mạng đăng tải, chia sẻ thông tin có trách nhiệm diễn ra sáng 11-10, ông Lê Quang Tự Do - cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết nhiều đối tượng lợi dụng tính ẩn danh của mạng xã hội để lan truyền tin giả, sai sự thật hoặc chống phá chế độ.
"Chính sách quan trọng nhất Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ triển khai là xác thực tài khoản mạng xã hội qua số điện thoại. Từ trước đến nay mạng xã hội vẫn được coi là ẩn danh, nhiều người nghĩ rằng không ai phát hiện và xử lý được mình, dẫn đến những hành động như chửi bới, xúc phạm người khác, chống phá chế độ", ông Tự Do thông tin.
Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông đánh giá: Sau khi tài khoản mạng xã hội bắt buộc phải xác thực bằng số điện thoại chính chủ, gắn liền với thông tin căn cước công dân khi ký hợp đồng sử dụng thuê bao với các doanh nghiệp viễn thông, hành vi trên mạng xã hội của người dùng sẽ có trách nhiệm hơn.
Cụ thể, trong dự thảo nghị định thay thế nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng, có yêu cầu các mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam xác thực người dùng bằng số điện thoại di động khi đăng ký tài khoản.
Trước đó, trả lời báo chí tại một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết yêu cầu này là phù hợp với Luật An ninh mạng, giúp điều tra hành vi vi phạm pháp luật trên mạng.
"Khi các nhà sáng tạo nội dung được xác thực danh tính rõ ràng, do liên quan đến tài khoản ngân hàng và mã số thuế khi kinh doanh thương mại điện tử trên TikTok, việc đưa thông tin sai lệch rất hạn chế vì họ nhận thấy hậu quả nhãn tiền", ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, nói về hiệu quả của việc xác thực tài khoản tại họp báo "Chiến dịch Tin" sáng 11-10.
Nằm trong những nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, của người dùng Internet trong việc chống lan truyền tin giả trên mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động "Chiến dịch Tin" với các nội dung: Cuộc thi "Anti Fake News", sáng tạo video chủ đề chống tin giả, diễn ra từ ngày 2 đến 28-10 và chương trình "Internet - Nâng cao văn hóa mạng" tổ chức vào cuối tháng 11.
"Khi nhận thức của người dân tăng lên thì tình trạng tin giả sẽ dần được khắc phục", ông Tự Do nhấn mạnh.
Hashtag của chiến dịch chống tin giả (#AntiFakeNews) đã thu về hơn 2 tỉ lượt xem chỉ trong 10 ngày chạy thử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.