Buổi gặp mặt diễn ra tại đầu cầu trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Cùng dự buổi gặp mặt tại đầu cầu Hà Nội có các phó thủ tướng, đại diện lãnh đạo các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nhân tiêu biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
Tham dự tại đầu cầu các tỉnh, thành phố có lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và 30 doanh nghiệp tiêu biểu đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp ở địa phương.
Làm gì để giúp cho nền kinh tế quốc dân thịnh vượng?
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhắc lại cách đây 19 năm, vào ngày 20-9-2004, Thủ tướng đã ký quyết định số 990 lấy ngày 13-10 hằng năm là "Ngày Doanh nhân Việt Nam".
Kể từ năm 2004, ngày 13-10 đã trở thành ngày Tết doanh nhân, là ngày các doanh nhân tập hợp lại và cùng suy ngẫm mình đã làm được gì và cần tiếp tục làm gì để giúp cho nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, để thúc đẩy Việt Nam sớm sánh vai các cường quốc năm châu.
Trước Đổi mới (1986), kinh tế nhiều khó khăn, cuộc sống nhọc nhằn, 50% số hộ trong cả nước là hộ nghèo.
Công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đã dần đem lại sự hồi sinh cho nền kinh tế. Đặc biệt, việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã khởi nguồn cho sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Đầu những năm 1990, sau khi Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân được ban hành, bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước, trong toàn quốc chúng ta chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp tư nhân.
Ngày hôm nay, khu vực kinh tế tư nhân chính thức đã có tới gần 900.000 doanh nghiệp, cùng với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, hợp tác xã tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.
Quy mô GDP Việt Nam đã nằm trong Top 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong Top 20 của thế giới, sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu.
"Đã xuất hiện những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, địa phương, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành phát triển.
Tiêu biểu có Tập đoàn THACO, Vingroup, Viettel, FPT, VNPT, Vietcombank, BIDV, BRG, Tập đoàn TH, Geleximco, Tập đoàn Phú Thái, PNJ, Doji, Lộc Trời, Tổng công ty Kinh Bắc…" - ông Công nói.
"Ai cũng có ước mơ, nhưng phải hun đúc thành khát vọng"
Phát biểu tại cuộc gặp với vai trò chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE), Anh hùng lao động Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH, chia sẻ:
"Tôi luôn tâm niệm mỗi chúng ta ai cũng có ước mơ và hoài bão. Nhưng chúng ta phải hun đúc, phải nuôi dưỡng để ước mơ, hoài bão đó thành khát vọng.
Thế giới có những thành tựu khoa học công nghệ, khoa học quản trị, trí tuệ nhân tạo… Để tận dụng những thành tựu này, cần có một số quyết sách và chính sách phù hợp cho từng thời kỳ, từng ngành nghề để khích lệ, biến khát vọng thành hiện thực".
Theo Anh hùng lao động Thái Hương, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố báo cáo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,4% trong năm nay.
Đây là mức cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi châu Á, và sẽ tiếp tục tăng lên 6,6% trong năm 2024.
Trong khi sau đại dịch tình hình chung kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, lạm phát cao, lãi suất cao, còn Việt Nam đang được đánh giá có mức độ tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát được kiểm soát, lãi suất hài hòa, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, đường cao tốc được phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.
"Trong thành tựu chung đó có những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam. Các chị em doanh nhân nữ đã chèo lái, giữ vững doanh nghiệp để đảm bảo sinh kế cho hàng triệu lao động" - bà Thái Hương nói.
Bên cạnh thực hiện phát triển doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ngày càng ý thức và quan tâm xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội. Đạo đức doanh nhân là yếu tố cốt lõi để xây dựng văn hóa kinh doanh - yếu tố nền tảng để phát triển doanh nghiệp bền vững.
Không chỉ chăm lo ngày càng tốt hơn cho người lao động, mà trong các thời điểm khó khăn khi đất nước đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, các doanh nhân luôn hết mình ủng hộ, đóng góp tài lực, trí tuệ cho xã hội, điển hình như trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vừa qua.
Nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam, Hiệp hội Nữ doanh nhân đã có một số đề xuất gửi Thường trực Chính phủ. Trong đó, hiệp hội đề nghị một số luật được ban hành sớm như: Luật Đất đai sửa đổi, Luật Tài nguyên nước, Luật Nhà ở… để các doanh nghiệp nói chung và doanh nhân nữ nói riêng có định hướng phát triển bền vững hơn.
"Vì sức khỏe cộng đồng là sức mạnh của toàn dân, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các bộ ban ngành xây dựng, trình Quốc hội Luật Dinh dưỡng cho người Việt với lộ trình từng giai đoạn, mà trước hết là Luật Dinh dưỡng học đường.
Bên cạnh đó là khích lệ, nâng tầm vị thế đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam. Hãy cho họ vườn hoa hồng ở cuối con đường để họ vượt qua bao thử thách chông gai đi tới thành công" - Anh hùng lao động Thái Hương nói thêm.
Tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện giới doanh nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa ra kiến nghị thúc đẩy vai trò doanh nghiệp trong tình hình mới.