Đảm bảo nguyên liệu nông sản cho xuất khẩu
Với mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm đạt từ 53 - 54 tỷ USD, trong quý IV, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thực hiện song song 2 nhiệm vụ xúc tiến thị trường, đồng thời đảm bảo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu.
Từ nhiều năm nay, bà con ở xã Đông Phú, huyện Lục Nam, Bắc Giang, canh tác cây đậu tương rau để phục vụ xuất khẩu. Để chuẩn bị cho vụ mùa xuất khẩu cuối năm, bà con nông dân ở đây đang khẩn trương thu hoạch sản phẩm của mình.
"Trồng cây này thu nhập hơn trồng lúa, mỗi vụ được vài chục triệu cũng phấn khởi", một người nông dân ở xã Đông Phú chia sẻ.
Những ngày này, về Xã Đông Phú, từ ngoài ruộng vào đến trong nhà, đâu đâu cũng thấy cảnh bà con thu hoạch đậu tương rau. Một năm 2 vụ, doanh nghiệp hỗ trợ giống, cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu đầu ra sản phẩm.
"Hầu như người dân ở đây đa số trồng cây đỗ, tăng năng suất và hiệu quả hơn lúa", ông Nguyễn Văn Vượng, xã Đông Phú, huyện Lục Nam, Bắc Giang, cho biết.
Giá đậu tương năm nay cao hơn 1.000 đồng/kg, nên bà con phấn khởi mang đậu tới điểm thu mua của công ty. Thời điểm nay, mỗi ngày doanh nghiệp thu mua từ 4 - 6 xe hàng.
"Mỗi ngày chúng tôi có 5 - 7 nhân sự đi theo xe, có lộ trình cụ thể, để đưa nguyên liệu về nhà máy một cách sớm nhất phục vụ sản xuất, đưa ra sản phẩm tốt nhất phục vụ khách hàng", ông Nguyễn Văn Bảo, Trưởng phòng Thu mua Nguyên liệu, Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, cho hay.
Ngoài đậu tương rau, đây cũng là thời điểm thu mua nhãn, chanh leo, gấc để có thể cung cấp cho các đơn hàng xuất khẩu sang Nhật, Mỹ vào dịp cuối năm.
Doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu cuối năm
Rau quả và gạo được coi là 2 điểm sáng xuất khẩu trong năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Từ nay tới cuối năm, mỗi tháng Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu xuất khẩu trên 100 tấn sản phẩm các loại nông sản đông lạnh. Con số này đang tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Để đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu, sau khi nguyên liệu đưa về nhà máy, sẽ được sơ chế ngay, làm sạch, hấp chín tách vỏ, cấp đông ở -18oC. Bắt đầu từ tháng này, nhà máy tăng 30% công suất chế biến các sản phẩm đậu tương, nhãn, chanh leo…
"Đây có thể là dấu hiệu tích cực của thị trường đang vào giai đoạn phục hồi sau COVID-19 và mọi người bắt đầu có sự tích lũy trở lại và chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm, nên nhóm sản phẩm rau củ quả, cũng như trái cây chế biến của chúng tôi đều có dấu hiệu tích cực", ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Điều hành, Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, cho biết.
Còn với công ty Vinasamex, cuối năm cũng là dịp các sản phẩm quế, hồi được các thị trường Mỹ, châu Âu tiêu thụ tăng tới 20%. Ngoài những sản phẩm thô, bán theo phương pháp truyền thống, năm nay doanh nghiệp chú trọng đưa các sản phẩm chế biến sâu như trà quế và đang bán thử nghiệm trên trang Amazon.
"Không chỉ dừng lại bán B2C, B2C trên Amazon là con đường lớn tiếp cận khách hàng B2B, vì nhiều khách hàng B2B của chúng tôi đang bán và có gian hàng trên Amazon. Đó là kênh giúp chúng tôi tiếp cận với khách hàng lớn", chị Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Vinasamex, cho hay.
Từ những sản phẩm rau củ quả đông lạnh, đến những sản phẩm gia vị như quế, hồi, đều là sản phẩm nông sản của Việt Nam được đẩy mạnh xuất khẩu từ nay đến cuối năm. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng kênh bán hàng, chú trọng chất lượng để tận dụng cơ hội thị trường trong dịp cuối năm. Các doanh nghiệp dự đoán, nhu cầu của thị trường cuối năm sẽ tăng từ 10 - 20%.
Trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều ngành công nghiệp vẫn chưa lấy lại được đà phục hồi, không khí sản xuất, lao động trong ngành nông nghiệp rất đáng khích lệ. Rau quả và gạo được coi là 2 điểm sáng xuất khẩu trong năm nay.
Từ nay đến cuối năm cũng là giai đoạn những mặt hàng này tăng tốc, ngành hàng rau quả đang dần tiến đến mục tiêu kỷ lục 5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay và ngành gạo là trên 4 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu này, từ nay đến cuối năm ngành nông nghiệp tập trung nhằm đảm bảo nguồn cung, cả về số lượng và chất lượng cho thị trường.
VTV.vn - 6 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực nửa cuối năm 2023 kỳ vọng hút tỷ USD, đó là rau quả, gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, thủy sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.93554540021013202-uahk-taux-cot-gnat-peihgn-hnaod-ial-ort-yauq-nas-gnon-gnah-nod/et-hnik/nv.vtv