Tham dự Hội nghị có các đại biểu đại diện các Vụ, Cục của NHNN (Sở Giao dịch, Vụ Thanh toán, Cục Công nghệ thông tin, Vụ Truyền thông), đại diện SWIFT tại Việt Nam, các chuyên gia cao cấp của Hiệp hội SWIFT cùng các đại biểu đại diện các Tổ chức tín dụng và Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ông Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Sở Giao dịch NHNN, Chủ tịch VIETSWIFT chủ trì Hội nghị
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Sở Giao dịch, chủ tịch VIETSWIFT phát biểu khai mạc, đồng thời tổng kết, đánh giá tình hình thành viên, tình hình thanh toán qua SWIFT, các hoạt động của Uỷ Ban SWIFT Việt Nam cũng như cộng đồng người sử dụng SWIFT tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Đến nay, cộng đồng SWIFT Việt Nam có 88 thành viên, trong đó có 16 ngân hàng là cổ đông của SWIFT. Với vai trò là cầu nối giữa SWIFT và người sử dụng SWIFT tại Việt Nam, Ủy ban VIETSWIFT đã thường xuyên trao đổi, cập nhật cho các thành viên về các công việc liên quan đến hệ thống SWIFT như rà soát và tăng cường bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống công nghệ thông tin quan trọng, nhất là hệ thống SWIFT, các yêu cầu bắt buộc cần tuân thủ theo Chương trình An ninh khách hàng CSP.
Bên cạnh đó, Hội nghị được lắng nghe những chia sẻ về kết quả của VIETSWIFT khi tham dự Hội nghị Sibos 2023 – sự kiện lớn thường niên của ngành tài chính, ngân hàng thế giới được tổ chức tại Toronto, Canada, với chủ đề “Tài chính hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh”. Sibos 2023 có sự tham gia của hơn 9.000 đại biểu đến từ hơn 150 quốc gia, với hơn 200 tổ chức là các Ngân hàng Trung ương, ngân hàng thương mại, các công ty lưu ký, trung tâm thanh toán, nhà cung cấp cơ sở hạ tầng thị trường tài chính, các nhà môi giới, các công ty tư vấn và nhà cung cấp phần mềm. Ngoài NHNN, đoàn đại biểu Việt Nam cũng tham gia hội nghị với hơn 30 thành viên đến từ nhiều ngân hàng thương mại lớn như NH TMCP Ngoại thương Việt Nam, NH TMCP Công thương Việt Nam, NH Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam, NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NH TMCP Sài Gòn Hà Nội, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam…Tại Sibos 2023, đoàn NHNN đã chủ động tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn với các chủ đề quan trọng liên quan tới việc đảm bảo và phát triển công tác thanh toán quốc tế của NHNN nói riêng và của Việt Nam nói chung theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời nắm bắt xu hướng, xây dựng lộ trình triển khai hiệu quả tại Việt Nam. Bên cạnh đó đoàn đã trực tiếp gặp gỡ, làm việc với các lãnh đạo cao cấp của SWIFT và các NHTW, tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức lưu ký... nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, mở rộng đầu tư, hạn chế rủi ro và giải quyết vướng mắc về nghiệp vụ trong quản lý, đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước.
Theo số liệu thống kê của SWIFT, Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có lưu lượng điện Swift Tài trợ thương mại lớn nhất toàn cầu và được cử đại diện tham gia vào Nhóm công tác Tiêu chuẩn Tài trợ thương mại của Hiệp hội SWIFT (TFSWG). Cùng với đó, Nhóm hỗ trợ Tiêu chuẩn tài trợ thương mại Việt Nam được thành lập trực thuộc VIETSWIFT. Tại Hội nghị, bà Trương Thị Diệu Quế, Giám đốc Trung tâm Tài trợ thương mại, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, đại diện của Việt Nam tham gia nhóm TFSWG cũng có những chia sẻ về cơ hội, thách thức đối với những thay đổi của điện Swift trong lĩnh vực Tài trợ thương mại.
Bà Trương Thị Diệu Quế - Giám đốc Trung tâm Tài trợ thương mại, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam
Cũng tại Hội nghị, chuyên gia SWIFT đã cập nhật các thay đổi, yêu cầu của SWIFT đối với chương trình An ninh khách hàng CSP, RMA Portal Migration, ISO 20022 Swift Translation, Alliance Release Timeline, nâng cấp hệ thống Swift lên phiên bản 7.7, thay thế HSM Box, đồng thời giới thiệu ứng dụng, giải pháp mới do SWIFT phát triển nhằm giúp các thành viên SWIFT gia tăng tiện ích, tăng cường bảo mật và thuận tiện trong thanh toán quốc tế như SWIFT Essentials, APIs, Alliance Cloud.
Chuyên gia SWIFT trình bày tại Hội nghị
SWIFT Essentials là gói giải pháp tích hợp một số các dịch vụ hiện đang được áp dụng riêng lẻ tại từng tổ chức, bao gồm: Swift GPI, Swift Go, Payment Pre-validation, Case Management, Swift Securities View, Payment Controls, KYC Registry, SwiftRef, Transaction Screening (opt-in only), Knowledge Centre, Swift Smart, BIC8, Relationship Management Application (RMA), sẽ được SWIFT cho ra mắt vào tháng 1/2024. Hiện nay, nhiều giải pháp, dịch vụ của SWIFT hiện đang được tính phí cố định, việc tích hợp gói giải pháp đảm bảo cho tất cả các tổ chức được sử dụng những dịch vụ phù hợp với hóa đơn đơn giản hóa.
APIs là một tập hợp các giao diện lập trình cho phép tổ chức tài chính kết nối và tương tác với hệ thống SWIFT để thực hiện các giao dịch tài chính quốc tế và truy cập thông tin tài chính. Nó giúp tổ chức tích hợp quy trình giao dịch tài chính, tối ưu hóa hiệu suất và đảm bảo tính an toàn và bảo mật trong quá trình truyền thông dữ liệu tài chính quan trọng. Trong khi đó, Alliance Cloud là một hệ thống điện toán đám mây cho phép ngân hàng và tổ chức tài chính sử dụng các dịch vụ và sản phẩm SWIFT mà không cần xây dựng cơ sở hạ tầng riêng. Alliance Cloud được xem là giải pháp kết nối thế hệ mới, giúp hệ thống có thể vận hành 24/7, giải phóng máy chủ và hệ điều hành. Điều này giúp giảm chi phí, tối ưu hóa quá trình triển khai, và tạo tính linh hoạt trong việc sử dụng các ứng dụng SWIFT.
Trong phiên hội thảo, các đại biểu đại diện các Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng đã tiến hành thảo luận, trao đổi về các chính sách, ứng dụng, giải pháp, yêu cầu của SWIFT với các chuyên gia của SWIFT nhằm tìm ra giải pháp phù hợp với đơn vị mình, đảm bảo hoạt động thanh toán qua hệ thống SWIFT an toàn, ổn định, thông suốt.
KC
Xem thêm: 136775VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www