Ngày 12/10, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an thông tin, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trần Hà Mi (27 tuổi, trú tại tỉnh Quảng Ninh); T.T.N. (26 tuổi, trú tại tỉnh Lai Châu) và N.T.H. (27 tuổi, trú tại Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan chức năng, từ tháng 4/2023 đến nay, các bị can trên đã thông qua ứng dụng Telegram thỏa thuận với một nghi phạm có tên là "Sam" (chưa rõ nhân thân, lai lịch) để cùng nhau lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức quảng cáo đại lý nhận đặt tour du lịch, vé máy bay, phòng khách sạn tại các khu du lịch nghỉ dưỡng.
Theo thỏa thuận, Sam sẽ cung cấp cho Mi, N. và H. các tài khoản Facebook có hàng nghìn người theo dõi để đăng bài quảng cáo bán tour du lịch, vé máy bay. Sam cũng cung cấp các tài khoản ngân hàng không chính chủ cho ba bị can trên để nhận tiền lừa đảo của các bị hại.
Sau khi có khách hàng liên hệ, nhóm này dùng các ứng dụng mạng xã hội để nhắn tin, thỏa thuận về số lượng phòng, số lượng vé máy bay, số tiền phải trả.
Các bị can còn lợi dụng chính sách trong thời gian 24 giờ không phải chuyển trả tiền để truy cập trang booking.com đặt phòng khách sạn và truy cập trang web của các hãng hàng không đặt vé máy bay. Sau khi có mã đặt phòng, mã đặt vé máy bay, nhóm này gửi cho khách hàng để tạo niềm tin và yêu cầu họ chuyển trả tiền đến các tài khoản ngân hàng không chính chủ rồi chiếm đoạt.
Sau đó, nhóm này chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách hàng đã chuyển trả mua tour du lịch. Với thủ đoạn như trên, các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng của nhiều bị hại.
Phần lớn là các khách hàng có nhu cầu mua tour du lịch, đặt phòng khách sạn tại các khu du lịch VIP, trong đó có Vinpearl. Số tiền lừa đảo của các bị hại được thỏa thuận ăn chia theo tỉ lệ 3 bị can trên hưởng 75%, còn Sam hưởng 25%.
Hiện Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục mở rộng điều tra, truy bắt các nghi phạm còn lại trong đường dây lừa đảo này.
Trước đó, Bộ Công an đưa ra cảnh báo khuyến cáo người dân cảnh giác với tội phạm lừa đảo trên lĩnh vực du lịch.
Theo khuyến cáo từ Bộ Công an, lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, hoạt động tội phạm lừa đảo lợi dụng tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ để chiếm đoạt tài sản của người dân.
Cơ quan công an thống kê có năm phương thức lừa đảo mùa du lịch phổ biến mà người dân dễ bị "sập bẫy".
Cụ thể, nhóm người lừa đảo sẽ đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc từ 30 - 50% rồi chiếm đoạt.
Một hình thức khác, nghi can lừa đảo sẽ đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa du lịch nước ngoài, cam kết tỉ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa.
Với thủ đoạn tinh vi hơn, nhóm lừa đảo sẽ làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch.
Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch thì nghi can sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.
Đáng chú ý, hình thức lừa đảo mới xuất hiện là tội phạm sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người bị giả mạo) để tạo lòng tin với nạn nhân.
Cụ thể, tội phạm sẽ làm giả hoặc chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức.
Nhóm lừa đảo có thể sử dụng công nghệ Deepfake và thực hiện cuộc gọi video để nạn nhân tưởng rằng đang nói chuyện với người thân của mình và nhu cầu vay tiền là có thật, từ đó chuyển tiền cho các đối tượng.
Thêm một phương thức nữa là nhóm lừa đảo mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng.
Hương Anh (t/h từ Lao động, Đại Đoàn Kết)