Thay vì gửi vật nuôi đến các "khách sạn chó mèo", nhiều người muốn chúng vừa được ở trong ngôi nhà quen thuộc lại vừa được chăm sóc tử tế.
"Bảo mẫu" đến nhà
"Tôi có một con chó tên Bi, được cứu về trên đường phố. Tôi đã từng thử gửi Bi đến một chỗ nọ nhưng nó không muốn tương tác với những con chó khác.
Tối đó khi tôi đón về nhà, nó đã rất sợ. Giờ giấc làm việc cũng khiến tôi khó đưa nó đến được trung tâm trông giữ vật nuôi. Vậy nên tôi muốn tìm một dịch vụ chăm sóc riêng tư hơn" - chị Elaine, giáo viên tiểu học tại một trường quốc tế ở TP.HCM, chia sẻ.
Chị Elaine cho biết ở Ireland, chó nhà chị cũng có "bảo mẫu" riêng khi cả nhà đi vắng. Được bạn bè và đồng nghiệp giới thiệu, chị đã tìm được một người trông nom ưng ý.
"Cô ấy dắt chó của tôi đi dạo, chơi với Bi mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu và cũng trông nó trong các kỳ nghỉ mà tôi không có nhà", chị kể.
Sở dĩ chị Elaine tin tưởng nhờ vả người này suốt ba năm qua là vì cô ấy có kiến thức tốt, yêu thương động vật, quy trình chăm sóc chuyên nghiệp và giữ liên lạc với chủ nhà rất tốt.
Trong khi đó, chị Amanda Cornelissen - người Úc đang ở TP.HCM - cũng thường xuyên đi công tác và du lịch nên cần người chăm sóc bốn con mèo cưng.
Những lúc đó, người chăm sóc thú cưng đến nhà chị hai lần mỗi ngày (sáng, tối), thỉnh thoảng ngủ lại. Chị Amanda không muốn gửi mèo tới khách sạn vì bản tính loài này vốn thích được ở nhà, chúng rất dễ căng thẳng khi tới chỗ lạ.
"Cô ấy rất chuyên nghiệp, đáng tin cậy, giao tiếp tốt và rất thương mèo của tôi. Tôi thích được cập nhật tình hình mèo cưng của mình thường xuyên, có cả video, việc đó giúp chúng tôi yên tâm khi đi du lịch", chị Amanda nói.
Yêu động vật, kỹ tính, trung thực
Mai Dung (27 tuổi), "bảo mẫu" chăm sóc thú cưng cho chị Elaine, Amanda và nhiều người khác, đã có kha khá kinh nghiệm trong nghề "pet sitting" ở TP.HCM và có một số khách quen nhiều năm.
Dung cho biết nhiều người không muốn gửi vật nuôi tới khách sạn vì lo tiếp xúc các bệnh hoặc khiến con vật căng thẳng.
Ở nhà với chúng quen thuộc hơn nhưng chủ nuôi phải chấp nhận việc có người lạ vào nhà. Vì vậy theo Dung, bên cạnh tình yêu động vật và sự kỹ lưỡng, người làm nghề này còn cần phải trung thực.
"Mức phí chăm sóc vật nuôi tại nhà không cao nhưng cũng không thấp tuy nhiên nếu khách hàng vắng nhà lâu, khoảng hai tháng chẳng hạn, thì số tiền họ phải bỏ ra là rất lớn.
Họ chịu chi như vậy cho thú cưng tức là họ mong mình trông nom con vật đó như trông con họ vậy. Họ để mình vào nhà thì mình phải rất trung thực", Dung giải thích.
Hiện tại mức phí dịch vụ thấp nhất của Dung là 150.000 đồng cho mỗi lần thăm thú cưng từ 45 phút đến 1 tiếng tùy địa điểm xa gần. Với những khách muốn người chăm ở lại qua đêm để trông thú cưng khi họ đi vắng dài ngày, mức phí khởi điểm là 300.000 đồng/đêm.
Trước khi nhận đơn hàng, Dung sẽ thống nhất với chủ nuôi những yêu cầu về thời gian ở cùng thú cưng, kiểm tra xem con vật đã được tiêm phòng đủ chưa và yêu cầu được gặp vật nuôi trước.
Sau khi cân nhắc các yếu tố an toàn, Dung mới quyết định có nhận trông hoặc điều phối cho các thành viên trong nhóm mình không.
Gần bốn năm trước, một bạn người Mỹ của Dung là bác sĩ thú y muốn đi chơi nhưng không biết làm sao với mèo của mình.
Cô ấy đã nhờ Dung chăm sóc mèo giúp và đưa ra mức thù lao cao hơn nhiều so với công việc làm thêm ở nhà hàng của cô sinh viên Mai Dung khi đó. Rồi người này giới thiệu người kia, hiện khách của Dung có khoảng 75% là người nước ngoài, còn lại là người Việt.
Thị trường chăm sóc thú cưng tại nhà ở TP.HCM và Hà Nội đang ngày càng sôi động. Không chỉ bạn trẻ Việt Nam quan tâm công việc này, một số người nước ngoài ở Việt Nam cũng nhận làm khi rảnh hoặc khi chưa có công việc chính thức.
"Nói việc này dễ nhưng thật ra cũng không dễ đâu. Mình cần phải tạo được sự thoải mái, thân thiện và gần gũi với chó, mèo. Mình cũng phải cho chủ thấy rằng con vật ở nhà ổn thế nào" - Q.N., một người trong nghề, chia sẻ.
Muôn mặt của nghề
Với Mai Dung, chăm sóc thú cưng tại nhà có thể nói là công việc có thu nhập tốt nhưng chưa thực sự ổn định.
Có những ngày không có khách nào nhưng lại có những tháng áp lực cao phải làm từ 10 - 12 tiếng/ngày, nhất là dịp Giáng sinh hay Tết Nguyên đán, thời điểm người nước ngoài thường đi du lịch.
Thỉnh thoảng Dung cũng gặp một số "tai nạn" nghề nghiệp như khách không trung thực về tình trạng chó mèo để bớt chi phí chăm sóc, bị đổ lỗi làm mất thú cưng, bị giành việc, bị hiểu lầm phải làm luôn việc nhà...
Khi mắc phải những căn bệnh phức tạp hoặc gặp tai nạn, chó mèo cũng cần cấp cứu. Bất kể lễ Tết, đêm hôm, nhiều cơ sở thú y luôn sáng đèn chạy chữa cho những thú cưng được ví là "cục vàng bốn chân".