Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã đưa ra khuyến cáo đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tránh bị lừa đảo trên môi trường mạng.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, thời gian gần đây đã có nhiều vụ việc phát sinh diễn ra trong hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài xảy ra trên môi trường mạng, sử dụng công nghệ và sự việc này đang có dấu hiệu ra tăng.
Các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã sử dụng các website như www.nhatban24h.vn; www.xuatkhaulaodong-24h.com … để tìm kiếm người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Các website này được xây dựng chuyên nghiệp, đăng tải nhiều thông tin đơn hàng tuyển dụng lao động đi làm việc tại các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Rumani, Ba Lan, Australia, NewZealand, Philippines, CHLB Đức, Hy Lạp…
Sau khi người lao động đăng ký số điện thoại sẽ được tư vấn viên giới thiệu qua các doanh nghiệp khác mà phần lớn là doanh nghiệp không được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài này sử dụng trang thông tin cá nhân (facebook, zalo) có đăng tải nhiều thông tin hoạt động trong lĩnh vực này như hình ảnh đưa tiễn lao động tại sân bay, quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài, hình ảnh chụp với visa của nước tiếp nhận đã được cấp, nhằm tạo uy tín với người lao động.
Khi người lao động chuyển tiền, các tài khoản này cung cấp bản chụp phiếu biên nhận, căn cước công dân và bản hợp đồng có đóng dấu của Công ty để người lao động tin tưởng và tiếp tục đóng các khoản phí khác.
Người lao động do ở xa hoặc qua giới thiệu nên tin tưởng không đến trực tiếp công ty để làm việc, xác minh thông tin và trực tiếp ký hợp đồng, chỉ liên hệ, trao đổi và làm việc thông qua mạng xã hội và số điện thoại. Khi đến thời hạn mà không được xuất cảnh, khi người lao động liên hệ thì các tài khoản và số điện thoại này đều sẽ khóa hoặc chặn liên lạc.
Thông tin về đơn hàng tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài, địa điểm người lao động đến làm việc, thông tin về Giấy phép hoặc website sử dụng để đăng tải thông tin lừa đảo thường gần giống với website chính thức mà doanh nghiệp đăng ký với Cục Quản lý lao động ngoài nước (ví dụ halsuco.com.vn / halsuco.vn là website đăng thông tin giả mạo - halsucohanoi.vn là website mà doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đăng ký chính thức với Cục Quản lý lao động ngoài nước). Khi có vụ việc liên quan, doanh nghiệp không có chức năng hoạt động dịch vụ sẽ phủ nhận sự liên quan đến các website lừa đảo; hoặc các địa điểm mà người lao động đến nộp tiền và làm việc thường không phải các địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; các văn bản chụp được gửi qua mạng đều có thể chỉnh sửa và không có giá trị pháp lý.
Để tránh bị các đối tượng nói trên lừa đảo, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không tin vào các thông tin mời chào, hứa hẹn về việc làm trên các website, facebook, zalo… nêu trên và tuyệt đối không giao dịch, liên hệ với các doanh nghiệp, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động động đi làm việc ở nước ngoài.
Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tìm hiểu thông tin có liên quan. Người lao động có thể tra cứu thông tin về doanh nghiệp có Giấy phép tại Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại địa chỉ www.dolab.gov.vn.
Người lao động cần tư vấn, cung cấp thêm thông tin hoặc phán ảnh thông tin về các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đề nghị liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 0243.8.249.517 máy lẻ 512 và 513, địa chỉ 41B Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
14.273 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 9/2023
Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 9 năm 2023 là 14.273 lao động (5.402 lao động nữ), gồm các thị trường: Nhật Bản: 8.475 lao động (3.831 lao động nữ), Đài Loan: 4.512 lao động (1.391 lao động nữ), Hàn Quốc: 505 lao động (47 lao động nữ), Trung Quốc: 198 lao động nam, Hungari: 146 lao động (90 lao động nữ), Ba Lan: 88 lao động (11 lao động nữ), Romania: 78 lao động (10 lao động nữ), Singapore: 51 lao động nam, Ma cao: 45 lao động (10 lao động nữ), Malaysia: 34 lao động (10 lao động nữ), Ả rập xê út: 33 lao động (31 lao động nữ) và các thị trường khác.
Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động (38.816 lao động nữ) đạt 101,37% kế hoạch năm 2023, (năm 2023, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 110.000 lao động) và bằng 108,23% so với cùng kỳ năm ngoái (09 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động), trong đó thị trường: Nhật Bản: 55.690 lao động (23.758 lao động nữ), Đài Loan: 46.166 lao động (13.733 lao động nữ), Hàn Quốc: 2.449 lao động (100 lao động nữ), Trung Quốc: 1.361 lao động nam (02 lao động nữ), Hungari: 1.148 lao động (551 lao động nữ), Singapore: 1015 lao động nam, Romani: 705 lao động (84 lao động nữ), Ba lan: 651 lao động (124 lao động nữ), Ả rập xê út: 205 lao động (145 lao động nữ) và các thị trường khác.
Tuệ Minh