Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Người Đưa Tin (NĐT) đã lắng nghe những phân tích, đánh giá từ ĐBQH Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về những quyết sách về kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp “vượt bão”.
Tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch
NĐT: Những chính sách kinh tế được bàn thảo và thông qua từ Nghị trường Quốc hội thời gian quanhư chính sách giảm thuế VAT, một số cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực…theo ông điều này đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn như thế nào?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Có thể thấy, áp lực hệ thống pháp luật có những chồng chéo, mâu thuẫn về cơ bản thời gian qua Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều nỗ lực để chung tay cùng tháo gỡ giúp cộng đồng doanh nghiệp có sân chơi bình đẳng, minh bạch hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều văn bản pháp luật như: Hệ thống văn bản pháp luật về đất đai, tài chính tín dụng, quy hoạch, khoa học công nghệ… có xung đột, mâu thuẫn chồng chéo chưa giải quyết được.
Thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực tháo gỡ cho doanh nghiệp những khó khăn trong quá trình vận hành. Thế nhưng, đây không phải là nền tảng quan trọng mà những chế định, quy định cụ thể trong các đạo luật phải bảo đảm sự nhất quán. Tư duy pháp lý trong các quy định như dòng chảy phải nhất quán, mạch lạc như vậy doanh nghiệp mới hoạt động một cách an toàn.
NĐT: Như ông phân tích thì các quy định phải nhất quán, mạch lạc thì doanh nghiệp mới hoạt động một cách an toàn. Vậy theo ông, điều cần quan tâm nhất lúc này để giúp doanh nghiệp có sân chơi bình đẳng, minh bạch hơn đó là gì?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Lúc này, Chính phủ, Quốc hội tập trung nghiên cứu để tạo hành lang pháp lý bảo đảm cơ chế rành mạch cho doanh nghiệp. Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà còn doanh nghiệp nước ngoài hoạt động.
Như tôi đã từng phát biểu tại nghị trường, doanh nghiệp FDI có vai trò nhất định tạo ra công nghệ quản lý, đưa cả công nghệ, khoa học kỹ thuật vào để áp dụng trong quy trình sản xuất. Nếu doanh nghiệp trong nước áp dụng được, nắm bắt và thích nghi quen, có cách thức quản trị doanh nghiệp thì đều có thể làm tốt.
Tôi nhận thấy các doanh nhân ở Việt Nam, tập đoàn lớn và vừa cơ bản có quản trị doanh nghiệp rất tốt, đủ sức quản trị công việc đa ngành, đa lĩnh vực. Hoàn toàn có thể thay thế doanh nghiệp nước ngoài làm những công việc lớn cho đất nước. Cho nên, dần dần chúng ta cần phải có chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát triển doanh nghiệp trong nước. Bởi đây chính là lực lượng nòng cốt để tự chủ, tự lực, tự cường.
Tôi cho rằng, trong áp dụng pháp luật không nên có phân biệt. Bởi, có tình trạng với doanh nghiệp nước ngoài thì có ưu đãi, có lộ trình giải quyết vấn đề về thủ tục hành chính tốt hơn với doanh nghiệp trong nước. Cho nên, cần có chính sách hoặc thành lập một cơ quan lâm thời về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong nước.
3 vấn đề của doanh nghiệp
NĐT: Theo ông, điều khó khăn nhất đối với doanh nghiệp Việt ở thời điểm hiện tại là gì? Là ĐBQH ông có kỳ vọng như thế nào về sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói chung?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Tôi thấy hiện có 3 vấn đề đang khiến doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động.
Thứ nhất, do tác động kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái từ sau đại dịch Covid-19, nên sức mua và các hợp đồng đặt hàng giảm sút. Đây là yếu tố khách quan.
Thứ hai, là do chia sẻ và chung tay tháo gỡ doanh nghiệp còn hạn chế. Thứ ba, là việc áp dụng pháp luật còn có những quy định gây cản trở cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Do đó, cần một cơ quan của Chính phủ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, kịp thời phát hiện ra những hành vi gây khó dễ cho doanh nghiệp, thao túng quyền lực để o ép doanh nghiệp, trục lợi… những hành vi đó phải ngăn chặn và xử lý nghiêm.
NĐT: Rõ ràng, chúng ta không thể đổi lỗi do văn bản pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo khiến doanh nghiệp trì trệ. Vậy, theo ông, doanh nghiệp Việt cần làm gì để thay đổi mình?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Làm sao tạo môi trường pháp lý và động lực để doanh nghiệp Việt trở thành lực lượng hùng mạnh, nòng cốt để xây dựng đất nước hùng cường?
Theo tôi, có 3 chủ thể liên quan đến vấn đề này:
Thứ nhất, Nhà nước, phải tạo ra một hệ thống pháp luật thống nhất, nhất quán, xuyên suốt, dòng chảy tư duy phải nhất quán, không chồng lấn, mâu thuẫn.
Thứ hai, phải giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương để xử lý các cán bộ, cả cơ quan hoặc một bộ phận nào đó vì “lợi ích nhóm”, thao túng quyền lực mà gây cản trở, khó khăn, ngăn chặn hoạt động đúng pháp luật của doanh nghiệp.
Thứ ba, phải tạo một môi trường thuận lợi khuyến khích một số lĩnh vực để các doanh nghiệp có năng lực bứt phá như: Lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo…
Về phía doanh nghiệp, phải tự mình đổi mới để thích ứng với biến đổi thế giới và trong nước. Không nên ỉ lại Nhà nước phải tìm việc làm cho mình hay thụ động chờ đợi cơ hội. Ngược lại, doanh nghiệp phải năng động, sáng tạo, tự mình trau dồi để thích ứng với biến đổi của xã hội và thế giới.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải đổi mới cách quản trị doanh nghiệp, áp dụng công nghệ để thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh, tiết giảm chi phí cho chính mình, giảm giá thành sản xuất kinh doanh, dịch vụ… Như vậy, người tiêu dùng mới tiếp cận được chủ trương “người Việt dùng hàng Việt”.
Thêm nữa, doanh nghiệp phải tự mình kiểm soát để không mắc phải những lỗi lầm mà một số doanh nghiệp thời gian qua đã mắc phải đó là không kiểm soát được lòng tham, móc ngoặc, cố ý làm trái pháp luật để trục lợi.
Đối với người dân, khi đã có sự nhất quán trong chủ trương của Đảng, Nhà nước thì cần chung tay cùng Nhà nước và lực lượng doanh nhân kiến tạo nên một nền tảng sản xuất xã hội, tự hào về lực lượng doanh nhân trong nước. Tham gia vào các chuỗi giá trị trong nước để giúp doanh nghiệp Việt có thương hiệu, sức mạnh cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
NĐT: Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Doanh nghiệp phải làm chủ được công nghệ
Đánh giá về những quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên-Huế) cho rằng, Quốc hội đã có tầm nhìn và thể hiện trách nhiệm rất trong công tác lập pháp.
Đồng thời, kết nối chặt chẽ với Chính phủ để ban hành những luật, nghị quyết đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt khó vươn lên để khẳng định mình, đặc biệt trong quá trình đại dịch Covid-19.
Trước thực tế thời gian qua có không ít doanh nghiệp phá sản, tạm ngưng hoạt động, đại biểu Sửu cho rằng bức tranh phục hồi kinh tế ngày càng được định hình, khả quan và tạo được niềm tin.
Để giúp doanh nghiệp vượt khó vẫn cần phải rà soát lại các Nghị quyết đã ban hành chưa thực hiện hoặc chưa giải quyết một cách thỏa mãn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp có khối lượng công việc lớn, thu hút số lượng đông lao động thì cần có hỗ trợ như: Rà soát lại cơ chế vay vốn, thuế, phí, tiền thuê đất… liên quan đến doanh nghiệp. Khi cần thiết có thể tổ chức diễn đàn, hội đàm để đối thoại trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp.
Nhà nước- doanh nghiệp - người dân là bộ 3 cần kết nối để phát triển, đất nước muốn phát triển hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc thì trước hết phải an dân, dân được ấm no hạnh phúc. Để có được điều này thì không thể phủ nhận vai trò to lớn của doanh nghiệp. Và kỳ vọng trong thời gian ngắn doanh nghiệp Việt sẽ là doanh nghiệp đi đầu làm chủ được công nghệ.
Đòn bẩy tài chính kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp
Nhìn nhận về các quyết sách của Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó sau đại dịch Covid-19 đến nay, ĐBQH Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho hay, thời gian gần đây Chính phủ đã sử dụng đòn bẩy về kinh tế như những chính sách giúp các doanh nghiệp dự trữ mua thóc gạo, dự trữ lương thực để phục vụ xuất khẩu, giảm lãi suất ngân hàng.
Thông tư 06 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực, theo đó, cho phép vay tiền của những ngân hàng có lãi suất thấp hơn để trả cho các doanh nghiệp vay ngân hàng khác với lãi suất cao hơn.
Điều này, buộc các ngân hàng phải cạnh tranh lành mạnh để giảm lãi suất, hạ lãi suất cho doanh nghiệp vay. Đồng thời, cũng tạo sân chơi, cơ hội tốt để giảm lãi suất.
Bởi, trong điều kiện khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu, lạm phát các nước châu Âu đang mạnh, nguồn thị trường tiêu thụ hàng hóa nhất là Việt Nam xuất hàng nông sản, hải sản, lúa gạo, hàng sản xuất tiêu dùng sang Trung Quốc, Mỹ và châu Âu là chủ yếu. Tuy nhiên, hiện cũng có những mặt hàng bị đứt gãy hoặc giảm như đồ gỗ, cao su, tôm đông lạnh…
Do đó, khi có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như vậy giúp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng tỉ suất lợi nhuận trong quá trình kinh doanh.
Ông Cường khẳng định các chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã điều hành rất kịp thời, nổi bật là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong bất động sản.
“Với những chính sách của Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội, chỉ đạo sát sao của các cấp thì sản xuất hàng tiêu dùng, xuất khẩu cho đến tháo gỡ vướng mắc trong bất động sản, gỡ vướng trong các khu công nghiệp… đã tạo tiền đề, cơ sở pháp lý và điều kiện về mặt tài chính rất thuận lợi cho doanh nghiệp. Dù trước mắt còn nhiều khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ nhưng tôi hy vọng rằng với những chính sách, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán doanh nghiệp Việt sẽ “vượt bão” ngày càng phát triển vươn xa”, ông Cường kỳ vọng.