Việc thị trường đảo chiều giảm sau 5 phiên tăng liên tiếp là điều hết sức bình thường và trong bối cảnh dòng tiền tham gia ngày càng suy yếu cùng lực bán có chút gia tăng, đã khiến VN-Index ngày càng lùi sâu hơn.
Thị trường đã tạm dừng phiên sáng khi chỉ số chung giảm gần 10 điểm với sắc đỏ bao trùm trên diện rộng bảng điện tử cùng thanh khoản tiếp tục suy giảm khi chỉ đạt hơn 5.000 tỷ đồng.
Giao dịch ảm đạm tiếp tục duy trì khi bước sang phiên giao dịch chiều. Chỉ số VN-Index dễ dàng thủng mốc 1.140 điểm ngay khi mở cửa giao dịch, nhưng cũng đã nhanh chóng thoát hiểm trong tích tắc.
Dù vậy, thị trường vẫn chỉ lình xình trên vùng giá này trong gần nửa thời gian giao dịch, sau đó mới “tìm lại được hướng đi”. Lực cầu dần cải thiện giúp nhiều cổ phiếu lớn bé hồi phục, thậm chí tăng tốc mạnh, kéo VN-Index vọt qua mốc tham chiếu và lấy lại sắc xanh.
Thị trường đóng cửa trong trạng thái xanh vỏ đỏ lòng, ghi nhận phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn cho thấy tâm lý thị trường chưa “ổn định”.
Chốt phiên, sàn HOSE có 192 mã tăng và 274 mã giảm, VN-Index tăng 3,12 điểm (+0,27%), lên 1.154,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 621,42 triệu đơn vị, giá trị 13.955,88 tỷ đồng, cùng giảm nhẹ hơn 3% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 27,6 triệu đơn vị, giá trị 798,81 tỷ đồng.
Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu VJC đã có pha “quay xe” ngoạn mục. Dù mở cửa trong sắc đỏ và chủ yếu lình xình quanh mốc tham chiếu trong gần hết thời gian giao dịch, nhưng lực cầu tăng mạnh trong 15 phút trước khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, đã giúp VJC tăng thẳng đứng và có thời điểm chạm mức giá trần.
Đóng cửa, cổ phiếu VJC tăng 6,2% lên mức giá 103.800 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong hơn 6 tháng qua (kể từ phiên 31/3). Đồng thời, thanh khoản VJC cũng cải thiện với hơn 1,31 triệu đơn vị khớp lệnh, trong khi những phiên gần đây chỉ đạt hơn 0,7-0,8 triệu đơn vị. Đây cũng là cổ phiếu đóng góp lớn nhất, với hơn 0,87 điểm cho chỉ số chung của thị trường.
Với đà tăng mạnh của VJC, nhóm cổ phiếu vận tải đã trở thành nhóm ngành tăng tốt nhất thị trường khi có thêm PVT tăng 2,4%, HAH tăng 1,62%, GMD tăng gần 1%, PVP tăng hơn 4%, STG tăng 2,56%, VNL tăng 2,07%...
Các nhóm cổ phiếu hàng hóa gồm thủy sản, dầu khí, dệt may, phân bón cũng đồng loạt khởi sắc, dù đà tăng vẫn khá hạn chế.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng lấy lại đà tăng nhẹ nhờ một số mã hồi phục thành công như HDB, VPB, TPB, MBB, SSB…, đáng kể là VCB tăng 0,7%, đóng góp 0,84 điểm cho chỉ số chung.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn chưa thoát xu hướng giảm dù biên độ thu hẹp đáng kể, tuy nhiên, dòng tiền đã tiếp sức cho một số mã tăng nóng trở lại. Điểm sáng là PDR đã kéo trần thành công với khối lượng khớp lệnh ATC đạt hơn 1 triệu đơn vị. Đóng cửa, PDR tăng 7% lên mức 26.050 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 5 thị trường với hơn 15,8 triệu đơn vị khớp lệnh.
Bên cạnh đó, KDH cũng kéo trần thành công và đóng cửa đứng tại mức giá 32.000 đồng/CP với khối lượng khớp đạt hơn 3 triệu đơn vị; HBC tăng 6,9% lên sát trần 8.550 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Ngoài ra, một số mã khác cũng đảo chiều khởi sắc như NVL tăng 0,7%, DXG tăng 2,5%, KBC tăng 2,8%, với thanh khoản đều đạt hơn 10 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán cũng điều chỉnh nhẹ, trong đó VIX vẫn có thanh khoản tốt nhất thị trường với 27,36 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 1,3%; tiếp theo là VND và SSI khớp hơn 22 triệu đơn vị và chỉ còn giảm nhẹ chưa tới 1 bước giá.
Trên sàn HNX, thị trường cũng “quay xe” thành công nhờ lực kéo chính từ nhóm HNX30.
Đóng cửa, sàn HNX có 73 mã tăng và 90 mã giảm, HNX-Index tăng 0,62 điểm (+0,26%), lên 239,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 88,8 triệu đơn vị, giá trị 1.924,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,13 triệu đơn vị, giá trị 57,68 tỷ đồng.
Trong khi sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo trong nhóm chứng khoán, thì cổ phiếu SHS đã đảo chiều thành công và đóng cửa tăng nhẹ 0,6% với thanh khoản vượt trội, đạt 22,18 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu khác trong nhóm HNX30 giao dịch khởi sắc và sôi động như PVS tăng 2,3% và khớp 9,37 triệu đơn vị, CEO tăng 1,5% và khớp 8,62 triệu đơn vị, IDC tăng 2,9% và khớp hơn 5,6 triệu đơn vị, TNG tăng 1,9% và khớp 4,17 triệu đơn vị, PVC tăng 2,8% và khớp 2,38 triệu đơn vị…
Trong khi đó, ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu CMS bị bán tháo mạnh và ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp. Đóng cửa, CMS giảm sàn về mức giá 25.000 đồng/CP với khối lượng khớp gần 0,7 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, dù thị trường có bật hồi nhưng chưa đủ mạnh để thoát được sắc đỏ.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,2%) xuống 87,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,49 triệu đơn vị, giá trị 558,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,12 triệu đơn vị, giá trị 27,84 tỷ đồng.
Trong xu hướng chung của ngành, cổ phiếu dầu khí BSR cũng đã đảo chiều hồi phục sắc xanh và đóng cửa tăng 1,4% lên mức 21.200 đồng/CP, khối lượng giao dịch vẫn sôi động nhất thị trường với hơn 8 triệu đơn vị. Ngoài ra, OIL cũng đảo chiều tăng nhẹ 0,9% lên mức 10.700 đồng/CP.
Bên cạnh đó, cổ phiếu nhỏ PVX tăng 8,3% lên mức giá cao nhất trong phiên và thanh khoản chỉ thua BSR với 2,41 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Cổ phiếu VGI vẫn là điểm sáng khi tiếp tục nới rộng biên độ, đóng cửa tăng 8,2% lên mức giá cao nhất trong ngày 29.000 đồng/CP và thanh khoản duy trì vị trí top 5 với hơn 1,83 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 biến động giằng co nhẹ với mức tăng giảm chỉ 1-2 điểm. Trong đó, VN30F2310 giảm 2 điểm xuống 1.161,1 điểm, khớp lệnh đạt hơn 207.410 đơn vị, khối lượng mở hơn 40.520 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm áp đảo, tuy nhiên, mã CVPB2307 vẫn có thanh khoản tốt nhất, đạt 4,63 triệu đơn vị, đã đóng cửa tăng 2,6% lên 400 đồng/cq.
Tiếp theo là CHPG2323 khớp hơn 4,14 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,5% xuống 390 đồng/cq.