vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân

2023-10-14 07:50

Tới dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN và lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tham dự hội thảo có đại diện các ban, bộ, ngành như: Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công an, NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, các ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp. Đặc biệt là sự có mặt của 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 và 63 hợp tác xã tiêu biểu do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập.

Chuyển đổi số tài chính, ngân hàng: Những kết quả đáng khích lệ

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp công nghệ lần thứ 4 gắn liền với chuyển đổi số, phát triển Kinh tế số, Xã hội số, Chính phủ số đã và đang trở thành động lực chính dẫn dắt xu thế phát triển kinh tế giới và mỗi quốc gia.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Chiến lược kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021- 2030 đều nhấn mạnh, phải đổi mới tư duy hành động, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển xã hội số, kinh tế số coi đây là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh.

Một trong những sứ mệnh lớn lao của chuyển đổi số là phổ cập, cá nhân hóa dịch vụ số như giáo dục , y tế, ngân hàng để tới người dân. Từ nông thôn, vùng sâu, vùng xa...đều có thể tiếp cận được dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, văn minh và hiện đại.

image

Ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số, trong đó, người nông dân là trung tâm của chuyển đổi số. Việc tham gia chuyển đổi số của nông dân góp phần không nhỏ cho thành công của chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Xác định chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhằm tạo sự bứt phá mạnh mẽ về tăng năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước cũng như nâng cao đời sống cho người dân.

Chuyển đổi số mang tính sứ mệnh lịch sử trong thay đổi phương thức sản xuất, tư duy, giao dịch thương mại. Tuy nhiên sứ mệnh cao cả đó càng phải làm rõ nội hàm về khả năng thích ứng, nguy cơ giúp nông dân thực hiện nhanh bền vững. Ông Lương Quốc Đoàn tin tưởng rằng những bài phát biểu, tham luận trong Hội thảo này sẽ là những tư liệu quý, thiết thực hữu ích sẽ giúp nông dân khắp cả nước trong việc tham gia chuyển đổi số tài chính ngân hàng.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, cho biết, ngành Ngân hàng phấn đấu tạo điều kiện thuận lợi người dân sử dụng dịch vụ trên môi trường điện tử, đến năm 2025 có 50% quyết định cho vay nhỏ lẻ được thực hiện trên môi trường điện tử. Việc này liên quan tới hỗ trợ phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, nông thôn... Với chỉ tiêu trên, NHNN hướng đến cung cấp các dịch vụ, sản phẩm số đến người dân, đặc biệt, người nông dân ở vùng sâu, vùng xa.

Về pháp lý, NHNN đã và đang triển khai nhiều nội dung hỗ trợ công tác này, đảm bảo các hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán triển khai cung cấp dịch vụ tới người dân. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ bao phủ cũng đã tăng trưởng mạnh với tỷ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc đạt 32,60%. Ứng dụng mobile banking cho phép người nông dân đăng ký, sử dụng các dịch vụ ngân hàng (tiền gửi, thanh toán, vay,...) không cần đến phòng giao dịch, chi nhánh. Ngoài ra, đã có 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC và 27 triệu tài khoản mở bằng eKYC (đến tháng 6/2023). Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại (thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử,...) được các ngân hàng, trung gian thanh toán triển khai, cung ứng…

Đối với việc bảo mật thông tin, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường công tác quản lý rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn và đẩy mạnh áp dụng các biện pháp hạn chế việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo; triển khai hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách chuyển đổi số ngân hàng, xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục tài chính trên truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng. Các tổ chức tín dụng triển khai kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng dữ liệu dân cư.

Về giải pháp phát triển chuyển đổi số trong thời gian tới, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và NHNN trong việc ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, xác thực trực tuyến, cung ứng dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là đơn giản quy trình cho vay trên cơ sở giải pháp đánh giá khả tín khách hàng...; tiếp tục nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số như hạ tầng thanh toán điện tử liên ngân hàng, hạ tầng thông tin tín dụng; ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số tiện lợi, chi phí thấp; nâng cấp, mở rộng kết nối hệ thống thanh toán, hệ sinh thái số ngành ngân hàng; tiếp tục tăng cường công tác đào tạo và tuyên truyền, giáo dục tài chính cho người dân; bố trí nguồn lực phục vụ cho chuyển đổi số…

image

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo

Lắng nghe ý kiến để thiết kế các sản phẩm, dịch vụ phù hợp bà con nông dân.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định, ngành Ngân hàng không thể cung cấp dịch vụ và hoàn thành chiến lược tài chính quốc gia nếu thiếu sự tham gia của các cơ quan truyền thông khi 65% dân số sống ở nông thôn. Hiện có khoảng 100 ngân hàng, các ngân hàng này sẽ không thể tồn tại nếu không cung ứng dịch vụ trên không gian số tốt, chất lượng tốt với chi phí hợp lý và an toàn. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của NHNN và thực tế các ngân hàng cũng đang rất cạnh tranh trong chuyển đổi số, điều này rất khác so với các ngành kinh tế khác.

Phó Thống đốc thông báo tới bà con nông dân, bên cạnh làm tốt hoạt động thanh toán, mới đây NHNN đã ban hành Thông tư cho phép vay tiêu dùng trên môi trường số, khuôn khổ pháp lý để hoàn thiện quá trình cho vay này cũng đã được triển khai. NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại bên cạnh việc đánh giá khách hàng vay, khả năng trả nợ của khách hàng vay theo phương án truyền thống, NHNN cũng đang phối hợp với Bộ Công an đánh giá dưới 2 khía cạnh là xác thực khách hàng và đánh giá khách hàng dựa trên cơ sở dữ liệu trên căn cước công dân. Khi các dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “giàu có” hơn với những thông tin khác, bao gồm thuế, bảo hiểm xã hội… thì ngân hàng sẽ tiến hành cho vay tín chấp nhiều hơn.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, bên cạnh quảng bá số lượng khách hàng, địa điểm giao dịch, các ngân hàng cần tăng cường truyền thông về tính năng của các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, cái tốt và tiện cho nông dân... Các dịch vụ ngân hàng có thiết kế cho vùng sâu, vùng xa nên các ngân hàng cần lắng nghe ý kiến của bà con nông dân, doanh nghiệp ở vùng nông thôn để thiết kế các sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp.

image

Nông dân Nguyễn Văn Nam - Giám đốc HTX Sản Xuất và Tiêu Thụ Mỳ Chũ Nam Thể phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Hội thảo có 02 phiên thảo luận với 02 chủ đề chính: (i) Chuyển đổi số tài chính, ngân hàng: Những kết quả đáng khích lệ; (ii) Tháo gỡ những vướng mắc trong chuyển đổi số tài chính, ngân hàng.

Các tham luận, trao đổi tại Hội thảo đã tập trung vào một số nội dung như: Tầm quan trọng của kinh tế số và vai trò của chuyển đổi số tài chính, ngân hàng tại khu vực nông thôn; Đánh giá của nông dân khi trải nghiệm các dịch vụ, sản phẩm số của ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông; Hạ tầng số, cơ sở dữ liệu, bảo mật hiện tại đã đáp ứng được nhu cầu phát triển các sản phẩm tài chính số chưa? Kinh nghiệm triển khai sản phẩm tài chính, ngân hàng số ở nước ngoài; Kinh nghiệm hỗ trợ nông dân, ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông trong chuyển đổi số; Vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong tuyền truyền, đào tạo nông dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số tài chính, ngân hàng và nâng cao hiểu biết trong quá trình sử dụng sản phẩm tài chính số; Xây dựng khung pháp lý, triển khai các sản phẩm tài chính số như chữ ký số, hợp đồng số, giao dịch điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu; Các vấn đề về an toàn, an ninh không gian mạng, tình trạng mất tài khoản, lộ dữ liệu thông tin người dùng khi tham gia không gian số;...

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam cảm ơn NHNN, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và toàn thể đại biểu đã phối hợp tổ chức thành công và đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho Hội thảo Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân.

Theo ông Lương Quốc Đoàn, chương trình chuyển đổi số quốc gia là tầm nhìn mới, chương trình mới, tầm nhìn mới thúc đẩy thay đổi cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tại Hội thảo này, các đại biểu đã chỉ ra những lợi ích, bàn luận những bất cập, rủi ro chuyền đổi số mang lại cho người nông dân, lan toả tinh thần chuyển đổi số của nông dân, góp phần phát triển nông thôn, phát triển đất nước.

Hội thảo thực sự là diễn đàn tuyên truyền cụ thể hoá mục tiêu, giải pháp nhằm phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân các cấp trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần giúp người nông dân chuyển đổi số thành công. Đây là cụ thể hoá của Hội Nông dân Việt Nam trong thục hiện Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, biện pháp về chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0; Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng 2030.

Những ý kiến tại Hội thảo hôm nay sẽ được tiếp thu đầy đủ, tổng hợp để đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến chuyển đổi số ngân hàng, tài chính nói riêng và nông dân. Góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nói chung, góp phần cùng đất nước bứt phát trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường theo tinh thần Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.

CKH

Xem thêm: 232875VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools