Liên tiếp nhận tin xấu
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc chuyển 78,3 triệu cổ phiếu TAR của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (địa chỉ tại số 649A, quốc lộ 91, KV Qui Thạch 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) từ diện cảnh báo sang diện bị kiểm soát kể từ ngày 12/10.
Lý do là công ty chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên 2023 quá hạn 30 ngày so với quy định.
Cũng vì lý do này, cổ phiếu TAR đã bị cắt margin từ ngày 18/9, bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 25/9 và hiện đang đối diện với nguy cơ bị hạn chế giao dịch nếu doanh nghiệp tiếp tục chậm công bố báo cáo tài chính thêm 15 ngày nữa (3 tuần làm việc).
Trước đó, ngày 26/8, TAR gửi công văn lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và HNX xin gia hạn công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2023 đã soát xét của Công ty đến 30/9. Lý do là Công ty cần tái cơ cấu nhân sự cao cấp, sắp xếp hoạt động kinh doanh để đảm bảo kịp tiến độ giao hàng cho các đơn vị xuất khẩu và hoàn thiện quy trình mua bán hàng; và đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian tiến hành các thủ tục soát xét, thu thập, đánh giá thông tin liên quan để hoàn thiện báo cáo.
Vào ngày 14/8, Chủ tịch HĐQT của TAR là bà Lê Thị Tuyết và Tổng giám đốc là ông Phạm Thái Bình (chồng bà Tuyết) đã nộp đơn xin từ nhiệm với lý do "cơ cấu lại nhân sự Công ty" mặc dù hai người vừa được bổ nhiệm tại Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 6/2023.
Sau đó, từ ngày 17/8, ông Bình được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc. Bà Tuyết vẫn còn giữ chức vụ Thành viên HĐQT. Người đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật thay ông Bình là bà Nguyễn Lê Bảo Trang (sinh năm 1978), người đã giữ chức Thành viên HĐQT từ tháng 5/2018 đến khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc.
Bà Lê Thị Tuyết và ông Phạm Thái Bình |
Một "tin xấu" khác là vào ngày 29/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định cảnh cáo và xử phạt 487,5 triệu đồng đối với CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An do hàng loạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Theo đó, doanh nghiệp đã không công bố các thông tin: Biên bản kiểm phiếu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, 2022; thông tin về việc vay, cho vay với giá trị từ 10% trở lên trên tổng tài sản của Công ty đối với một số khoản vay trị giá 200 – 400 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài…
Doanh nghiệp công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với các tài liệu bao gồm BCTC riêng và hợp nhất quý 03/2022 kèm giải trình chênh lệch lợi nhuận so với cùng kỳ; BCTC riêng và hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 đã soát xét kèm giải trình biến động lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ; BCTC riêng và hợp nhất quý 4/2021 kèm giải trình nguyên nhân biến động.
Ngoài ra, doanh nghiệp công bố thông tin sai lệch khi tại Báo cáo thường niên năm 2020, 2021, 2022 cho biết ông Phạm Thái Bình và bà Nguyễn Lê Bảo Trang không nắm giữ chức vụ tại các tổ chức khác, tuy nhiên tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, 2021, 2022 ghi nhận hai ông bà này nắm giữ chức vụ tại các công ty con và công ty liên kết.
UBCKNN cũng phạt TAR vì công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật bao gồm BCTC kiểm toán năm 2020, 2022, Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, 2021, 2022, Công ty có các giao dịch với các bên liên quan.
Trong đó, có một số giao dịch không được nêu trong Báo cáo tình hình quản trị công ty gồm giao dịch góp vốn điều lệ với số tiền 160,2 tỷ đồng, giao dịch mua nguyên vật liệu giá trị hơn 11,9 tỷ đồng, giao dịch với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại An Thơ, một số giao dịch không được thuyết minh tại BCTC kiểm toán…
Đáng chú ý, ông Phạm Thái Bình, Phó chủ tịch HĐQT Trung An cũng bị UBCKNN xử phạt do thực hiện hợp đồng, giao dịch với công ty con khi chưa được Đại hội đồng cổ đông hoặc HĐQT chấp thuận.
Mới đây, khi Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo lớn của thế giới áp giá trần gạo nội địa để kiềm chế lạm phát, động thái này được cho là cũng có ảnh hưởng nhất định đến một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam như Trung An.
Kinh doanh kém tích cực
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính tự lập, kết thúc quý II/2023, Công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.615 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh cùng chi phí hoạt động, lãi vay tăng khiến TAR lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 24 tỷ đồng.
Đây là quý đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán hồi đầu năm 2019.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Trung An cho biết, nguyên nhân lỗ chủ yếu do chi phí lãi vay cao hơn cùng kỳ và Công ty phải thanh lý hủy không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách nước ngoài.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Trung An ghi nhận doanh thu thuần 2.513 tỷ đồng, tăng 46%; lãi sau thuế 606 triệu đồng, giảm mạnh từ mức 51 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
So với mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng năm nay, kết thúc nửa đầu năm, công ty đạt hơn 66% kế hoạch doanh thu nhưng mới đạt 1,2% kế hoạch lợi nhuận.
Đáng lưu ý, Trung An là doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng lại kinh doanh kém đi trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng từ đầu năm đến nay; 6 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu được 4,2 triệu tấn gạo, với trị giá 2,25 tỷ USD, tăng 21% về lượng và 32% về giá trị.
Ban lãnh đạo Gạo Trung An cho biết, mặc dù giá lúa gạo tăng nhưng giá lúa của nông dân bán ra cũng tăng mạnh theo làm chi phí sản xuất, giá thành tăng cao; đồng thời, lãi suất ngân hàng từ năm ngoái đến năm nay mặc dù đã giảm những vẫn còn ở mức cao.
Nhìn lại bức tranh tài chính 5 năm gần đây của Gạo Trung An thì thấy, doanh thu của công ty có sự cải thiện qua từng năm, tăng từ 1.837 tỷ đồng vào năm 2019 lên 3.798 tỷ đồng vào năm 2022.
Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty lại có sự tăng giảm thất thường. Sau khi đạt đỉnh 96,7 tỷ đồng vào năm 2021, lợi nhuận của công ty chỉ còn 75 tỷ đồng vào năm 2022, tương đương giảm 22% so với năm trước đó.
Kỳ vọng hồi phục từ năm 2024
Tại phiên giao dịch ngày 9/10, cổ phiếu TAR đã giảm hết biên độ 10% về mức giá sàn 12.600 đồng/cổ phiếu, trắng bên mua với gần 1,18 triệu cổ phiếu dư bán giá sàn.
Kết phiên 13/10, mã này nhích lên 12.800 đồng/cổ phiếu nhưng so với vùng đỉnh 23.00 đồng/cổ phiếu hồi tháng 8, mã này đã giảm gần 45% sau 2 tháng.
Xu hướng ngắn trung hạn của cổ phiếu TAR là tiêu cực khi giá đã giảm về dưới các đường MA50-200. |
Trước đó, cùng với bối cảnh thuận lợi chung của thị trường lúa gạo, TAR cùng nhiều cổ phiếu cùng ngành đã có chuỗi tăng phi mã. Từ tháng 3 đến tháng 8, TAR đã tăng gần gấp đôi từ 12.000 lên gần 23.000 đồng/cổ phiếu.
Trong báo cáo về ngành gạo công bố đầu tháng 9/2023, Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định, giai đoạn nửa cuối năm 2023, hoạt động xuất khẩu sẽ tích cực nhờ thiếu hụt nguồn cung; đồng thời giá gạo tăng cao cũng khiến những doanh nghiệp như TAR hưởng lợi.
Cụ thể, sau khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo tẻ, Bộ Nông Nghiệp Mỹ dự báo sản lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan đạt 8,5 triệu tấn còn Việt Nam đạt 7,5 triệu tấn, tăng 10,7% và 6,3% so với năm 2022.
Căn cứ lợi thế của TAR khi sở hữu thương hiệu gạo Trung An và 6 nhà máy chế biến gạo cung cấp khoảng 360.000 tấn gạo/năm cho một số thị trường xuất khẩu lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, và EU…, Mirae Asset dự phóng năm 2023 doanh thu Trung An đạt 4.487 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 64,8 tỷ đồng, giảm 13,9% so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí tài chính lên đến 117 tỷ đồng tăng 26,8% so với cùng kỳ do chi phí lãi vay tăng cao.
Công ty Chứng khoán này cũng đánh giá tích cực cho cổ phiếu TAR, dựa vào triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm tích cực nhờ thiếu hụt nguồn cung; Hưởng lợi từ việc giá gạo tăng và kỳ vọng hoạt động kinh doanh của TAR sẽ cải thiện từ năm 2024.
Cụ thể, Mirae Asset kỳ vọng cổ phiếu TAR sẽ tiến về vùng giá 23.000-24.000 đồng và xa hơn ở mốc quanh 26.000 đồng, tăng khoảng 35% so với hiện tại và lưu ý điểm cắt lỗ khi giá đóng cửa dưới mốc 16.800 đồng.