Tại đây, cử tri Nguyễn Kim Sơn (Q.Ba Đình) bày tỏ vui mừng khi KT-XH đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Nhưng từ thực tế đời sống xã hội, ông thấy còn nhiều vấn đề dân sinh bức xúc như nhà ở xã hội, chung cư, chung cư mini, thiếu trường lớp nghiêm trọng, lừa đảo trên không gian mạng…
"Tiền lương, chỉ số giá tiêu dùng, giá nhà ở xã hội và chung cư luôn luôn là sự trăn trở, lo toan chật vật hằng ngày của người lao động", ông Sơn nói, và mong Quốc hội quan tâm có quyết sách mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và nguyện vọng của nhân dân.
Quan tâm công tác cán bộ, cử tri Vũ Xuân Nghĩa (Q.Ba Đình) cho rằng việc T.Ư Đảng thi hành kỷ luật cán bộ là ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư Đảng cho thấy việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần "không có vùng cấm" vẫn được tiến hành với quyết tâm cao, củng cố niềm tin cho nhân dân cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Về quy hoạch T.Ư Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031, ông Nghĩa khẳng định vững tin vào sự sáng suốt, cách làm bài bản, quy trình chặt chẽ của T.Ư Đảng; đồng thời kỳ vọng nhiều vào việc đảm bảo quy trình công tác cán bộ chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch.
Đảng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị, nhưng như thế không phải độc đoán, chuyên quyền mà theo luật pháp. Thế gọi là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Thị Minh Hà (Q.Hai Bà Trưng) đề nghị Quốc hội sớm ban hành luật Đất đai sửa đổi để góp phần tháo gỡ vướng mắc hiện nay.
"Giá đất đền bù cần làm rõ vấn đề theo giá thị trường. Tổ chức nào quyết định giá thị trường, khi vướng mắc cần có quy định thời hạn giải quyết nhất định không để kéo dài. Làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức khi để xảy ra tình trạng quy hoạch treo, đất bỏ hoang hóa nhiều năm nay gây lãng phí", bà Hà nêu kiến nghị.
Nhiều ý kiến cử tri cũng nêu về các vấn đề liên quan việc xây dựng luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 tới đây, việc giải quyết dứt điểm các dự án treo kéo dài 10 - 20 năm qua, hay việc di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan T.Ư ra khỏi nội đô Hà Nội…
Không được lòng dân là không giữ vững chế độ
Thay mặt các đại biểu Quốc hội tiếp thu ý kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh các ý kiến đều nắm vấn đề sâu, trình bày ngắn gọn nhưng mang ý khái quát lớn, rất có ý nghĩa, ý kiến sắc sảo và "gãi đúng chỗ ngứa". Tổng Bí thư khẳng định tiếp thu tất cả các ý kiến, gửi tới Quốc hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải hợp lòng dân, phù hợp thực tiễn và có kết quả cụ thể. Theo Tổng Bí thư, Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng Đảng không thể thay mặt toàn thể nhân dân mà phải có cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra, là Quốc hội. Quốc hội thực hiện chức năng đề ra luật pháp, quyết định những vấn đề quan trọng và giám sát tối cao việc tổ chức thực hiện. Do đó, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội phải báo cáo và xin ý kiến cử tri. Cử tri là nhân dân, nhân dân là chủ, quyết định tất cả.
Tổng Bí thư nhấn mạnh cơ chế của VN là Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. "Đảng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị, nhưng như thế không phải độc đoán, chuyên quyền mà theo luật pháp. Thế gọi là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", Tổng Bí thư nói, và gọi đây là "3 chân kiềng" rất chặt chẽ, kiểm soát quyền lực lẫn nhau.
Theo Tổng Bí thư, đây là cơ chế của VN. "Theo tôi, nghiên cứu và hiểu được thì đây là cơ chế tôi cho là ưu việt nhất trong thời đại bây giờ", Tổng Bí thư nhấn mạnh, và khẳng định việc tiếp xúc, xin ý kiến cử tri trước và sau mỗi kỳ họp là rất quan trọng, không phải hình thức, "làm ra cái vẻ dân chủ" vì ý kiến cử tri tác động rất lớn. "Và cuối cùng, dân là người quyết định. Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân. Không được lòng dân là không giữ vững chế độ", Tổng Bí thư khẳng định.