Phim Hồng Hà nữ sĩ (Đạo diễn: Nguyễn Đức Việt, Biên kịch: Nguyễn Thị Hồng Ngát) có buổi ra mắt truyền thông và khán giả vào tối 14-10 ở Hà Nội.
Đây là một trong ba phim truyện điện ảnh được Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đặt hàng sản xuất trong hai năm (2022-2023).
Hồng Hà nữ sĩ cũng là bộ phim đề tài lịch sử hiếm hoi về một nhân vật có thật dự kiến tham dự Liên hoan phim Việt Nam 2023 tại Đà Lạt vào tháng 11 tới, công chiếu rộng rãi dịp cuối năm.
Danh sĩ Đặng Trần Côn có tình cảm với nữ sĩ Đoàn Thị Điểm
Chinh phụ ngâm khúc do tác giả Đặng Trần Côn - một danh sĩ thời Lê Trung Hưng - viết khoảng những năm 1740 (có tài liệu nêu từ 1755 – 1760), là khúc ngâm của người vợ có chồng đi chinh chiến. Nguyên tác chữ Hán dài khoảng 476 câu.
Đây là tác phẩm mà theo nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Xuân Hãn, "từ quê đến thành thị, không mấy người không biết một vài câu".
Hiện có nhiều bản dịch Nôm tác phẩm này, trong đó bản dịch thành công nhất - theo thể song thất lục bát, có độ dài 412 câu (theo bản in chữ Nôm cũ hiện còn) hoặc 408 câu (một bản in khác lưu tại Thư viện Paris) - được cho là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu sau này cho thấy các khả năng khác, có thể của Phan Huy Ích hoặc Phan Huy Ích nhuận sắc lại bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm.
Trong phim Hồng Hà nữ sĩ, tác giả kịch bản đã chọn hướng đi an toàn nhất, được nhiều người đồng tình nhất, đó là bản dịch Chinh phụ ngâm được phổ biến hiện nay do nữ sĩ Đoàn Thị Điểm dịch.
Tuy nhiên, trong sử sách, chưa có tài liệu nào cho thấy, danh sĩ Đặng Trần Côn có tình cảm trai gái với bà Đoàn Thị Điểm.
Bằng góc nhìn riêng và "được quyền hư cấu", tác giả kịch bản đã tái hiện tình cảm chớm nở của Đặng Trần Côn dành cho bà Đoàn Thị Điểm; đồng thời kể lại sự ra đời của bản dịch Chinh phụ ngâm nổi tiếng. Đây được xem là điểm mới của phim.
Sở dĩ gọi là "chớm nở" vì bà Điểm chỉ "yêu thơ" Đặng Trần Côn như danh sĩ này tự nhận trong phim. Sau đó, bà lấy TS Nguyễn Kiều làm chồng.
Diễn viên Anh Đào học viết chữ Nôm để vào vai nữ sĩ Đoàn Thị Điểm
Phim Hồng Hà nữ sĩ kể về cuộc đời của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (bút hiệu Hồng Hà) thời "gió bụi". Bà là một người phụ nữ xinh đẹp, tháo vát, giỏi chữ Hán, Nôm, có tài dịch thơ và viết sách.
Vào vai Đoàn Thị Điểm, diễn viên Anh Đào kể rằng cô phải nhờ thầy dạy qua video, học từ cách cầm bút, pha mực trở đi; sau đó mua mực, giấy, bút về tập viết chữ Nôm miệt mài từ lúc nhận kịch bản tới khi bấm máy.
Cô mô tả: "Tôi bắt đầu học viết chữ Nôm như người tây qua Việt Nam học cách cầm đũa".
Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là một người có tài thơ văn nức tiếng vào thế kỷ 18.
Trong vài tháng, một người mới viết chữ Nôm như Anh Đào không thể viết thành thạo và đẹp như bà được, cô chỉ cố gắng viết đúng. Trao đổi với Tuổi trẻ Online, Anh Đào "mong khán giả thông cảm".
Cô cũng tiết lộ, những phân cảnh viết chữ Nôm xuất hiện trong phim 100% đều do các diễn viên tự tay viết.
Nhận vai chính trong phim này, Anh Đào cho biết cô từng nghe có người nói: "Đoàn Thị Điểm mà như thế này á', "Đây mà là Đoàn Thị Điểm ư".
"Lúc đó, tôi đã rất sợ, lo lắng, mất tự tin", cô chia sẻ.
Tuy nhiên nhờ sự ủng hộ cũng như giúp đỡ của các anh chị, cô chú trong đoàn làm phim, Anh Đào đã hoàn thành vai diễn của mình.
Ngoài Anh Đào, phim Hồng Hà nữ sĩ có sự tham gia còn dàn diễn viên gồm: Quốc Toàn (vai Đặng Trần Côn), Vĩnh Xương (vai TS Nguyễn Kiều - chồng của Đoàn Thị Điểm), NSND Trung Anh (vai quan thượng thư), NSND Lê Khanh (vai vợ quan thượng thư)…
'Đất rừng phương Nam' dường như đang bị mổ xẻ quá mức về những tranh cãi từ chiếc khuy áo của bác Ba Phi đến vai trò của Trấn Thành.