Tròn một năm đối mặt với cơn "đại hồng thủy" làm hơn 70.000 ngôi nhà ngập nước, lần này người dân Đà Nẵng đã chủ động sống chung với nước lụt, cho thấy chuyện cảnh giác với thiên tai chưa bao giờ thừa.
Một lần đã "tởn tới già"
Đợt mưa năm ngoái nghe vợ báo đường trước nhà ngập nước, anh Nguyễn Trần Chính vẫn đủng đỉnh ngồi quán lai rai với bạn. Đến khi nước vào tới nhà, vợ quay video gửi anh mới kéo bạn rời quán về nhà thì không vào được vì đường đã ngập quá bụng.
Đợt đó đường Bùi Giáng (quận Cẩm Lệ) ngập hơn 1m, điện cúp. Không xoay xở kịp, nhà anh Chính bị thiệt hại nặng vì kho hàng và ô tô ngâm nước.
Là khu dân cư mới, đó là lần đầu xóm anh Chính "nếm mùi" lụt. Sau lần "nhớ đời" đó, hàng hóa được kê cao trên giá, vào mùa mưa thì đưa lên tầng 2. "Một lần bị rắn cắn, 10 năm sợ dây thừng" nên với trận mưa lớn mấy hôm nay, anh Chính đã có sự phòng bị tốt hơn khi chuẩn bị kỹ càng từ khi nghe dự báo mưa.
"Năm ngoái tiền sửa xe với hàng hóa hư hỏng mất gần 600 triệu đồng, "tởn tới già". Vợ cằn nhằn đến mức nghỉ lai rai ba tháng trời. Giờ cả khu này nghe thiên tai là bà con trong tổ đã gửi cảnh báo trong các group của xóm", anh Chính nói thêm.
Còn đối với nhiều người dân tại điểm "nóng" ngập trên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), năm ngoái chỉ riêng tuyến đường này có tới ba người tử vong vì không kịp thoát thân trong đêm tối.
Lần này người dân chủ động kê cao đồ đạc rồi đi trú ngụ vì lo ký ức đau thương tái diễn. Khi được dự báo có mưa lớn, chính quyền địa phương thông qua các tổ dân phố đã phát đi cảnh báo với người dân.
Hì hục mang xe máy treo lên khung cổng, anh Ngô Trường An ở đường Mẹ Suốt cho biết năm ngoái xóm này nhà ai cũng ngập sâu quá đầu. Nhiều người không kịp dời đồ đạc, chỉ kịp trốn trên gác trong đêm tối.
Thậm chí nhiều nhà, người dân phải phá mái tôn đứng co ro dưới mưa chờ cứu hộ. "Khi ấy nhà tôi còn không có cái đèn pin, mấy bà con co ro trên gác với nỗi lo nước lên mái. Sau đợt đó ở đây sợ lắm, nhà có gác thì kê cao đồ đạc rồi rời đi, nếu có ở lại cũng chuẩn bị búa, đèn pin để xử lý nếu nước lên cao", anh An nói.
Đêm 13-10 vừa rồi, anh An cùng vợ con sang ngôi nhà đúc trong xóm để tá túc, vừa an toàn vừa tiện bề theo dõi nước ngập.
Công tác cứu hộ bớt căng thẳng
Mang ba xuồng cứu hộ trực trên đường Mẹ Suốt nhưng mới cho một xuồng xuống nước, anh Trần Đình Khoa - trưởng nhóm xuồng cứu hộ Đà Nẵng - cho biết công việc của mình đã bớt căng thẳng hơn năm ngoái.
Đội xuồng túc trực tại điểm này suốt hai ngày nhận được ba cuộc gọi cần cứu hộ và đã đưa tám người ra khỏi điểm ngập.
Có kinh nghiệm giải cứu người dân vùng ngập khắp các tỉnh miền Trung nhiều năm qua, anh Khoa nhìn nhận sự chủ động của người dân là điều kiện tiên quyết để giảm bớt thiệt hại. Việc ứng cứu, nếu có, là việc chẳng đặng đừng.
"Năm nay chính quyền đã kêu gọi người dân ở nhà cấp 4 ra khỏi khu vực này nên không mấy người kêu cứu. Các trường hợp nhóm đưa xuồng vào đều là người gặp sự cố đau ốm bất khả kháng. Trường hợp còn lại là người già và trẻ em, có lẽ khi nước lên họ hoảng hốt nhiều hơn vì chưa chủ động", anh Khoa phân tích.
Ông Bùi Trung Khánh, chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, cho biết năm nay tất cả các điểm có nguy cơ ngập sâu tại địa phương đều được các lực lượng chính quyền, công an, quân sự "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" cảnh báo trước các đợt có mưa lớn.
Để người dân an tâm di tản, các lực lượng còn giúp dân di dời đồ đạc có giá trị và đồ thiết yếu trong nhà.
"Chúng tôi tập trung chính vào việc dời dân tại nơi nguy cơ, lo trường học, nhà văn hóa để họ có chỗ an tâm di dời. Còn các lực lượng vũ trang sẽ cùng đảm nhiệm ứng trực, tổ chức xuồng hơi tại chỗ, sẵn sàng hỗ trợ người dân di dời nếu mưa quá lớn hoặc có tình huống bất thường", ông Khánh nói.
Theo thống kê của quận Liên Chiểu, trên địa bàn có khoảng 3.000 trường hợp thuộc diện di tản khi có mưa lớn. Trong đó người dân địa phương thường chủ động nơi ăn ngủ.
Riêng các đối tượng tạm trú như sinh viên, công nhân chính quyền có bố trí trường học để họ ở tạm trong đêm mưa.
Tất cả chủ động, thiệt hại giảm đi
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, đến nay chưa ghi nhận trường hợp thiệt hại về người.
Các lực lượng công an, quân đội vẫn tiếp tục túc trực 24/24 giờ tại các vị trí trọng điểm, xung yếu như khu vực Khe Cạn, đường Mẹ Suốt, đường Nguyễn Nhàn...
TP có 11 vị trí ngập từ 1m trở lên ở khu vực đô thị, tuy nhiên ghi nhận về thiệt hại phương tiện như ô tô, xe máy và các thiết bị điện tử rất ít. Đây là điều khác biệt bởi trong đợt ngập năm trước Đà Nẵng có tới 2.000 ô tô và 30.000 xe máy ngâm trong nước lụt. Nhiều tuyến đường xe chết máy hàng dài.
Ông Lê Văn Tuyến, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, cho biết năm nay TP có sự chuẩn bị từ rất sớm. Trước mùa mưa lớn Đà Nẵng đã mở đợt khơi thông cống rãnh toàn TP. Không chỉ các lực lượng chức năng, công ty thoát nước mà có sự vào cuộc của người dân.
Trong đó người dân đóng vai trò lớn trong việc khơi thông miệng hố thu nước vốn nhiều năm bị che chắn một phần do lo ngại mùi hôi và chuột bọ. Việc này còn có ý nghĩa giúp người dân nâng cao ý thức, tăng sự nhạy cảm của người khác với các cảnh báo thiên tai.
Ngoài ra, lần này Đà Nẵng tập trung vào cảnh báo và chuẩn bị các phương án, kịch bản để người dân nắm thông tin và ứng phó. "Với tính chất đợt mưa lần này, TP cảnh báo trên các phương tiện trước đó một tuần.
Việc tuyên truyền, cảnh báo phải đi trước bởi với quy mô toàn TP thì sự chủ động của người dân là trên hết. Ngoài các phương tiện truyền thông, chúng tôi cũng cảnh báo qua các tin nhắn, tổng đài 1022, các trang phòng chống lụt bão", ông Tuyến nói.
Theo ông Tuyến, hiện nay dựa trên các tính chất thiên tai, Đà Nẵng xây dựng các phương án, kịch bản để ứng phó. Trong đó căn cứ trên các mức độ cảnh báo của cơ quan khí tượng mà các điểm ngập, sạt lở sẽ tổ chức lực lượng di dời dân.
Tùy quyết định triển khai phương án của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng mà chính quyền cấp trên sẽ sử dụng những nguồn lực, thời gian cụ thể để phòng chống thiên tai. Đến khi mưa bão đến thì lực lượng ứng trực có mặt tại điểm nguy cơ để xử lý các sự cố phát sinh.
Nhờ chủ động nên buôn bán bình thường
So với năm ngoái, mức ngập ở cửa hàng của chị Nguyễn Thị Diệu (chợ Hòa Cầm, đường Nguyễn Nhàn, quận Cẩm Lệ) trong tối 13-10 vẫn còn thấp hơn nửa mét. Thế nhưng với bài học trắng tay do lụt năm ngoái, lần này nghe mưa chị tích trữ hàng ít hơn.
Nhờ kê cao nên dù 2-3 bận mưa lớn tràn vào cũng không bị ảnh hưởng, đến sáng 14-10 chị vẫn mở cửa hàng buôn bán.
Chị Diệu nhìn nhận trận mưa lịch sử năm ngoái là ký ức kinh hoàng với chị và người dân TP nên ai cũng có sự chuẩn bị chu đáo. Bằng chứng là tiểu thương nghỉ bán, người dân cũng về nhà sớm hơn. Ít thấy ai lang thang ngoài đường vì sợ ngập.
Theo ghi nhận tại đường Nguyễn Nhàn (quận Cẩm Lệ), mặc dù mực nước trên mặt đường cao hơn 0,5m tràn vào nhà dân nhưng một số mặt hàng thiết yếu như hiệu thuốc tây, cửa hàng mini vẫn mở cửa.
Không chủ quan trong những ngày tới
Tại cuộc họp ngày 14-10, ông Lê Trung Chinh - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết diễn biến phức tạp của mưa bão vẫn ở phía trước. Do vậy cần đặc biệt chú ý ứng phó với mưa lớn, ngập lụt và sạt lở đất.
Ông Chinh yêu cầu các địa phương tiếp tục các hoạt động sơ tán người dân nhất là tại những khu vực nguy hiểm, đảm bảo lương thực, thực phẩm tại các địa điểm sơ tán dân, không để người dân bị thiếu đói, mưa rét.
Đồng thời đối với các vị trí ngập úng, ngập lụt nghiêm trọng cần theo dõi để có phương án xử lý trong những đợt mưa tiếp theo. Cũng theo lãnh đạo Đà Nẵng, việc nạo vét các cửa thu nước sẽ còn tiếp tục triển khai cả trước, trong và sau mưa lũ để đảm bảo thoát nước hết công suất.
Sát cánh cùng người dân
Đợt mưa lớn kéo dài đã nhấn chìm nhiều khu dân cư thấp trũng ở Đà Nẵng. Ngoài sự chủ động của người dân thì sự sát cánh của lực lượng vũ trang với người dân cũng góp phần giảm thiểu thiệt hại.
Nhận tin là xuất kích
Sáng 14-10 dưới cơn mưa tầm tã, nước lụt ngập ngang ngực nhưng hàng chục cán bộ, chiến sĩ của Phòng cảnh sát cơ động Công an Đà Nẵng vẫn len lỏi đến các nhà dân trong vùng ngập lụt ở tổ 129 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).
Những ổ bánh mì, mì gói, chai nước suối được trao tận tay bà con. "Mưa trắng trời, nước ngập hết cả nhà cửa, không có mấy chú công an khiêng, dọn thì không biết răng", ông Thiện (trú phường Hòa Minh) tâm sự.
Lội bì bõm trong nước lụt cùng các chiến sĩ, lãnh đạo Phòng cảnh sát cơ động cho biết nắm tin cầu cứu của nhân dân ở những vùng ngập lụt, nước dữ là các đơn vị của Công an Đà Nẵng khẩn trương tiếp cận.
Chẳng hạn lúc 3h30 ngày 14-10, ngay sau khi nhận thông tin từ Trung tâm 114 Công an Đà Nẵng có nhiều người mắc kẹt do mưa lớn gây ngập lụt, nước chảy xiết tại kiệt 161 đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), hàng chục cán bộ, chiến sĩ đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận Liên Chiểu liền xuất kích.
Khi đến hiện trường, mực nước lúc này khoảng 0,8 - 2,2m tùy vị trí. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã sử dụng phao bè, phao tròn, áo phao và phao cứu sinh di chuyển được 12 người bị nạn (chủ yếu là người già, trẻ em, phụ nữ) đến nơi an toàn.
Xuyên đêm kéo xuồng chở dân lánh nạn
Phóng viên Tuổi Trẻ đã theo chân lực lượng chức năng lội vào các hẻm thấp trũng nằm sâu trên đường Mẹ Suốt, nơi có những nhà dân, khu trọ sinh viên cùng xe máy, bàn ghế... chìm trong nước sâu từ 1 - 1,5m.
Với áo phao và xuồng nổi, từng tốp cán bộ quận Liên Chiểu và bộ đội Quân khu V chia nhau lùng sục các kiệt hẻm ngập nước tìm kiếm những nhà dân cần sự trợ giúp.
Phụ một tay cùng bộ đội kéo vợ và đứa con nhỏ ra khỏi nhà, anh Nguyễn Đức Minh (35 tuổi) cho hay từ rạng sáng nước bắt đầu lên nhanh, căn nhà anh nhanh chóng ngập lụt.
"Sáng nay khi thấy bộ đội đưa xuồng vào tôi gọi nhờ đưa hai đứa con lớn ra trước rồi vợ chồng và cháu nhỏ ra sau. May mà bộ đội tới ứng cứu kịp thời, nếu ở trong nhà mà nước dâng cao hơn chẳng biết sẽ ra sao nữa!", anh Minh chia sẻ.
Tại phường Hòa Khánh Nam trong hai ngày qua chỉ riêng lực lượng công an đã hỗ trợ di dời dân bằng phao cứu sinh cho hơn 50 người. Ngoài ra một số trường hợp người lớn khỏe mạnh bám phao ra cùng lực lượng khi có nước lớn.
Trưa 14-10, dù mưa tại khu vực đã ngớt nhưng đại tá Lê Thọ, phó trưởng Công an quận Liên Chiểu, cùng 20 chiến sĩ vẫn tiếp tục ứng trực trong căn nhà ngay đầu đường.
Đại tá Thọ nhận định khu vực kiệt các đường Hoàng Văn Thái và Mẹ Suốt có địa hình phức tạp khi xung quanh là núi. Trong khi đó khu vực này nhiều năm nay bị quy hoạch treo, việc xây dựng theo kiểu chắp vá nên các khe, cống bị thu hẹp. Do vậy khi nước lụt tràn về thì lên rất nhanh, khó trở tay.
"Có một số trường hợp người già và trẻ nhỏ không đánh giá được hết nguy cơ nên gọi là chúng tôi có mặt. Riêng đường Mẹ Suốt, chúng tôi cắt cử anh em luân phiên túc trực phối hợp cùng các lực lượng sẵn sàng xuồng phao khi có người cần giải cứu", đại tá Thọ cho biết.
Thừa Thiên Huế: 2 người chết do mưa lũ
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết bước đầu trên địa bàn có hai người chết do mưa lũ ở huyện Quảng Điền và thị xã Hương Thủy.
Các ngành chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị thiệt mạng do thiên tai.
Nước trên các sông của tỉnh này cũng đã vượt mức báo động 1. Riêng sông Bồ do thượng nguồn có thủy điện Hương Điền xả nước đón lũ nên mực nước dưới hạ lưu dâng lên xấp xỉ vượt báo động 2.
Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ do nước ngập và chảy xiết nên đã cấm đường. Đường 71 dẫn lên thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 cũng đã bị cấm để đề phòng sạt lở đất.
Một trường tiểu học tại Đà Nẵng đã thông báo hỗ trợ ô tô của người dân đến đậu miễn phí để tránh ngập lụt.