Đã tròn 11 năm kể từ khi chúng tôi ra trường và cũng tròn 15 năm kể từ ngày ngồi trên giảng đường Trường ĐH Y Debrecen, nơi chúng tôi được lĩnh hội những bài học đầu tiên về công nghệ áp dụng mRNA vào việc chữa trị ung thư từ người phụ nữ ấy: cô Katalin Karikó, người vừa được trao giải Nobel Y học năm nay cùng với ông Drew Weissman, nhà khoa học người Mỹ.
Tình yêu vô tận với mRNA
Tôi không thể quên cách giảng giải hăng say, đủ để thấy cô yêu lĩnh vực nghiên cứu ấy đến nhường nào. Sau bao thăng trầm trong hành trình lập nghiệp nơi xứ người, sau bao khó khăn, thất bại, cô cũng đã thành công khi trở thành người phụ nữ có công tìm ra liệu pháp đưa mRNA vào ứng dụng bào chế vắc xin COVID-19.
Tôi may mắn được thụ hưởng một trong những nền đào tạo và giáo dục y khoa xuất sắc nhất thế giới ở một đất nước nhỏ bé tại Trung Âu là Cộng hòa Hungary.
Không có năm nào mà khoa học và công nghệ Hungary chào đón nhiều quả ngọt như năm nay.
Ngoài giải Nobel Y học danh giá, đất nước này còn là quê hương của một trong ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý 2023 - ông Ferenc Krauz - và còn 13 giải Nobel trước đây nữa.
Ngày còn học ở ĐH Y Debrecen, tôi bắt đầu nung nấu ước mơ phục vụ ngành ung thư tiêu hóa, những ước mơ mà cô Karikó ươm mầm từ những bài giảng không quá hàn lâm, dễ hiểu mà sâu sắc như chính con người cô vậy.
Đâu ai biết rằng khởi điểm của bà giáo ấy cũng giản dị, hay nói đúng hơn là khó khăn, như bao người đeo đuổi con đường nghiên cứu khoa học khác. Tôi nhớ như in một buổi chiều sau giờ lên lớp, tôi ở lại phòng thí nghiệm để làm nốt đề tài dang dở và cuộc đối thoại ngắn ngủi với bà nhưng đã tiếp cho tôi một động lực rất lớn.
Với xuất phát điểm khiêm nhường trong một phòng thí nghiệm (lab) nhỏ của ĐH Y khoa Szeged, cách thủ đô Budapest vài trăm cây số, bà Katalin Karikó chưa bao giờ từ bỏ đam mê của mình, một tình yêu vô tận với mRNA.
Bà bảo ngày ấy làm khoa học nghèo lắm, đến nỗi rao bán chiếc xe "cùn" để có những đồng dành dụm cho chuyến phiêu lưu sang Mỹ cũng không ai muốn mua vì nó cũ quá.
Thế rồi tình yêu dành cho khoa học lớn tới nỗi bà và gia đình chấp nhận cuộc mưu sinh ở một đất nước mới, cả nhà chỉ sống trong căn phòng thuê nhỏ ọp ẹp. Mọi gian lao, thiếu thốn vẫn không thể cản bước người phụ nữ này đến với khoa học.
Bà bảo tôi: "Làm khoa học là những chuỗi dài thất bại thành thói quen hằng ngày, nếu có được thành công thì đó chính là những tai nạn ngẫu nhiên trong nghề".
Bà nở nụ cười hiền từ sau câu nói đó. Bà đâu biết chính điều này đã gieo vào tâm trí cô học trò nhỏ người Việt Nam một ngọn lửa, cháy âm ỉ, không bùng nổ nhưng trường tồn sắt son với nghề chữa trị bệnh nhân.
Cô Karikó là thế, rất khiêm cung, chăm chú, hăng say với sáng tạo khoa học. Bao năm rồi bà vẫn để kiểu tóc như vậy, người ta cũng ít thấy bà trang điểm khi đi ra ngoài.
Chắc có lẽ mãi sau này khi con gái "tư vấn" nhiều hơn, bà mới chịu khó chăm chút cho phần "nữ tính" bên ngoài ấy. Dẫu sao, đối với tôi, bà toát lên một vẻ đẹp, mà tôi gọi nôm na là vẻ đẹp của người phụ nữ làm khoa học chân chính.
Chắp cánh ước mơ
Tôi ra trường và phục vụ cho sự nghiệp điều trị cũng đã nhiều năm. Cơn địa chấn mang tên COVID-19 có lẽ đã, đang và sẽ lưu lại trong cuộc đời hành nghề y của nhiều đồng nghiệp và bản thân tôi như một giai đoạn khó quên vì sự khốc liệt của nó.
Nhưng cũng từ trong những ngày tháng đen tối của giới nghiêm, cách ly, tôi lại một lần nữa có dịp kết nối với cô Karikó. Bà vẫn vậy, thật gần gũi, chân phương và cực kỳ khoa học.
Có lẽ tôi và hàng trăm, hàng ngàn người đã và đang là học trò của bà không thể không tự hào vì những nghiên cứu của người phụ nữ ấy đã góp phần cứu sống sinh mạng của hàng triệu triệu người trong cơn cuồng phong đại dịch.
Khi dịch COVID-19 qua đi, tôi được gặp lại bà trong dịp ĐH Semmelweis trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự và ký kết nhiều dự án hợp tác nghiên cứu cùng Công ty Pfizer.
Bà vẫn vậy, từ tốn và rất khoa giáo như ngày nào. Khi tôi nhắc lại cuộc đối thoại ngắn ngủi trong phòng thí nghiệm năm xưa và không hy vọng bà nhớ đến cô học trò bé nhỏ ngày nào, trong đôi mắt thông minh đó ánh lên một sự quen thuộc.
Hẳn là suốt cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên những chia sẻ bà dành cho tôi vào buổi chiều hôm ấy.
Khi hai cô trò được trò chuyện chừng năm mười phút trước phiên họp tiếp theo, bà đã tâm sự với tôi: "Cảm ơn em đã chọn quê hương tôi làm nơi lập nghiệp và gắn bó. Cuộc đời này có nhiều điều xảy ra vi diệu lắm. Ở đâu đất lành với một cá thể thì cá thể đó sẽ neo đậu, phát triển.
Tôi nghĩ sự cống hiến vĩ đại nhất là theo đuổi mục tiêu phục vụ nhân loại, vì trong đó có gia đình, quê cha đất tổ của mình.
Vì vậy, hãy tự hào vì em là người Việt Nam thành danh trên một đất nước khác và Việt Nam đã sinh ra một người đem khối óc, nhiệt tâm của mình đi phục vụ nhân sinh. Chúc em ngày càng thành công hơn trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhé!".
Cảm ơn người thầy đã chắp cánh cho ước mơ của bao thế hệ, để giờ đây chúng tôi có thể hãnh diện và nói rằng tôi đã là học trò của người phụ nữ Hungary đầu tiên đoạt giải Nobel Y học trong kỷ nguyên đương đại này.
Luôn tự hào với dòng máu Hungary
Đối với nhiều người Hungary khi thành danh ở một nước khác ngoài nơi họ sinh ra, họ thường phải đối mặt với bao nhiêu câu hỏi, hay đúng hơn là sự dè bỉu của những người yếm thế, cực đoan ở lại rằng vì sao họ chỉ thành danh khi đã thoát ly và rằng danh dự đó có chăng chỉ cho đất nước sở tại.
Vậy mà khi đối mặt với những điều này, cô Karikó chỉ trầm ngâm một lúc và nói một cách từ tốn: "Dẫu có đi đâu thì người ta vẫn gọi tôi là người Hung. Thứ ngôn ngữ mà tôi trôi chảy nhất vẫn là tiếng Hung.
Thậm chí, giọng nói tiếng Anh của tôi vẫn mang âm điệu của người Hung dù tôi đã rời đất nước này từ những năm 1980. Suy cho cùng, dòng máu Hung vẫn chảy trong người tôi đó thôi".
TTCT - Giải Nobel Y sinh năm nay được trao cho tiến sĩ Katalin Karikó (người Mỹ gốc Hungary) và giáo sư Drew Weissman (người Mỹ) - phần thưởng xứng đáng cho một công trình rất đúng với ý nghĩa của giải thưởng.