Một ngày cuối hè, muốn rời khỏi phố phường ồn ã, tôi chạy xe máy cùng người bạn về La Vuông (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) theo lời hẹn về thăm nhà bạn mà bao lần tôi lần lữa.
La Vuông thơ mộng
Đường về La Vuông "dễ chịu" hơn so với những miêu tả của các anh chị từng đặt chân đến đây. Bạn bảo, đường đất ngày nào nối thôn La Vuông với vùng đồng bằng phía xuôi đã được trải nhựa, chẳng bù cho ngày trước phải vất vả cọc cạch xê dịch từng bước một, chịu cảnh lún lầy trong những ngày mưa gió.
Đường lên "xứ thơ" ấy cũng đầy thơ mộng khi ta bắt gặp những cung đường đầy hoa khoe sắc, những thửa ruộng vàng ươm lúa chín, những cảnh phơi trải chiếu cói dưới con nắng rụm giòn. Cảnh bình yên làm lòng người cũng bình yên.
Tôi chạm mặt La Vuông vào một chiều dịu nắng. Xứ này mở ra cho tôi một không gian lạ khác hoàn toàn so với hai giờ đồng hồ trước. Sơn nguyên La Vuông mênh mang, gió thổi lồng lộng mát rượi như xua đi cái nắng oi nồng ngột ngạt mà tôi đối diện bấy lâu.
Chiều ấy, bạn đưa tôi đi thăm hồ La Vuông. Hồ rộng, sóng khẽ gợn lên lăn tăn theo ngọn gió từ xuôi thổi về, quấn quýt vào núi đồi xanh ngăn ngắt.
Ở một góc hồ La Vuông, tôi thoáng thấy vài người còn nán lại thả cần câu. Họ ngược đường về đây để tìm chút thư thái cuối tuần sau những ngày bận bịu cơm áo.
Tôi đứng trên bờ hồ ngoái nhìn một bên là trập trùng núi đồi, một bên là phía cánh đồng mênh mông ngan ngát, thấy tâm hồn mình như giãn nở khoan khoái.
Tôi mở căng lồng ngực, hít hà từng hơi đầy không khí mát dịu nơi này, thả từng bước chậm để cảm nhận không gian mát lành mà La Vuông mang lại, mải mê như không muốn rời khỏi.
Trường Lũy trên núi Chúa
Đêm xuống chầm chậm, những ngôi nhà từ thôn La Vuông đã lên đèn. Tôi ngồi cùng gia đình người bạn bên ly rượu gạo, nghe gia đình bạn kể về cuộc sống người dân nơi đây.
Ba của bạn, chú tên Dương Đình Thi, đã gắn với nơi này từ sau ngày đất nước thống nhất. Chú nhấp chén rượu và kể vanh vách từng chuyện một của xứ này.
Từ những thập niên 20 của thế kỷ trước, người Pháp đến vùng núi này để mở nông trường nuôi bò sữa. Sau 1975, nơi đây mở Nông trường La Vuông. Chú Thi từng làm kế toán nông trường, rồi gắn đời mình với đất với làng.
Bên bếp lửa mà chúng tôi đang nướng cá, chú Thi kể lại chuyện tình yêu với vợ. Chú bảo ngày đó chú quen cô cũng từ nông trường này. Yêu rồi cưới, thế rồi cả hai đã bén rễ ở vùng đất này, chẳng muốn rời đi đâu dù cuộc sống khấm khá hơn.
Buổi đêm, chan hòa trong câu chuyện của chúng tôi là thanh âm của xao lộng cây rừng, của tiếng chim nơi đại ngàn gọi bạn. Những người thích không gian yên tĩnh, thích sự bình lặng và chút gì đó hoang dã núi đồi, có lẽ sẽ ghi khắc mãi những khoảnh khắc như vậy trong hành trình xê dịch của mình.
Sáng sớm bên ngụm trà, tôi nhìn ngọn núi phía xa, cao vút như nắm tay của một người khổng lồ đang nhoài lên hái những chùm mây đang trôi tư lự. Tôi khẽ hỏi chú Thi thì chú nói đó là núi Chúa.
Đường lên núi Chúa ngoằn ngoèo, dốc cao hiểm trở. Trên ấy có những loại cây rừng, sim trái, vườn cam, những loài hoa dại quanh năm tự tình chờ bước chân xa lạ khám phá.
Trong tôi như dâng lên câu hỏi về cái tên nhiều ẩn gợi - núi Chúa? Không biết có phải vì ngọn núi ấy như mắt tôi nhìn thấy, cao vút, mây phủ quanh năm, là ngọn núi sừng sững kiêu hãnh giữa sơn nguyên bát ngát này. Hay là còn điều gì khác huyền hồ hơn thế?
Chú Thi giải đáp điều tôi thắc mắc bằng một chuyện xưa. Chú kể, từ lúc chú sinh sống ở đây thì cái tên núi Chúa đã tồn tại. Theo nhiều người kể lại, sở dĩ gọi là núi Chúa bởi nơi ấy từng là chốn trú nương của chúa Nguyễn Ánh, lánh nạn khỏi sự truy lùng của nhà Tây Sơn.
Chú Thi còn kể tôi nghe nhiều về Trường Lũy ở núi Chúa, cũng được xây từ thời chúa Nguyễn. Trường Lũy uốn lượn qua những cánh rừng, nối từ Quảng Ngãi cho tới vùng núi huyện An Lão. Qua bao năm tháng, vết tích xưa vẫn còn.
Về La Vuông, ngoài chìm đắm trong không gian mát lành yên bình, tôi còn được nghe bao câu chuyện về vùng đất này, nó như một thứ gia vị đặc biệt khiến La Vuông càng trở nên quyến rũ. La Vuông chỉ một lần khẽ chạm mà để lại bao quyến luyến, tôi thầm đặt một lịch trình trở lại.
Đánh thức tiềm năng La Vuông
La Vuông cao khoảng 700m so với mực nước biển, cách TP Quy Nhơn 115km về phía tây bắc.
Đầu năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã đến La Vuông để khảo sát. Ông Dũng đã chỉ đạo thị xã Hoài Nhơn có giải pháp "đánh thức" khu cao nguyên La Vuông.
Theo đó, địa phương ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng rừng La Vuông. Trước mắt, đầu tư xây dựng đường trục chính kết nối tuyến đường An Lão - Hoài Nhơn (thuộc dự án xây dựng chính sách hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số" - dự án CRIEM) vào khu vực thảo nguyên La Vuông có chiều dài khoảng 3km, bề rộng mặt đường 7,5m.
Khi hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, thị xã Hoài Nhơn cần có cách làm đột phá, riêng biệt để thu hút nhà đầu tư vào La Vuông, đánh thức tiềm năng đặc biệt của khu vực này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 8-10, ông Lê Đăng Tuấn - chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn - cho biết dự án CRIEM làm tuyến đường vào thảo nguyên La Vuông đã được phê duyệt, sắp tới sẽ triển khai.
Ngoài ra, vào tháng 9-2023, UBND tỉnh Bình Định cũng đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Hoài Nhơn đến năm 2035. Trong đó có xác định cụ thể phạm vi khu vực phát triển du lịch sinh thái La Vuông theo thực tế điều kiện tự nhiên tại khu vực.
DUY THANH
Sắc vàng úa của rong hòa quyện với sắc xanh của biển tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, khiến du khách mê đắm khi đến thăm làng chài Nhơn Hải ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).