Ngày 13-10, theo website của Công ty CP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán:FLC) thông báo đã nhận 19 quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế của Cục thuế TP Hà Nội bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản tại các ngân hàng.
Cụ thể, tổng số tiền bị cưỡng chế khoảng 81,62 tỉ đồng từ các tài khoản của FLC tại nhiều ngân hàng như: Agribank, BAOVIET Bank, LPBank, VietinBank, PVcomBank, BIDV, Maritime Bank, Techcombank, Vietcombank, MB, NCB, VIB, Sacombank, TPBank, VPBank, VietBank, PGBank, OCB chi nhánh Hà Nội, Standard Chartered (Việt Nam).
Lí do bị cưỡng chế là do người nộp thuế có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế.
Tập đoàn FLC
Theo Cục thuế TP Hà Nội, các ngân hàng trên có trách nhiệm trích số tiền nộp vào tài khoản số 7111 Kho bạc Nhà nước Quận Cầu Giấy. Trường hợp tài khoản của FLC nhỏ hơn số tiền trên quyết định cưỡng chế thì ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi.
Sau đó, nếu có số tiền phát sinh trong tài khoản, các ngân hàng phải tiếp tục trích trên tài khoản của đơn vị này trong thời gian quyết định có hiệu lực.
Do doanh nghiệp này mở tài khoản tiền gửi tài nhiều ngân hàng, để tránh việc các ngân hàng trích vượt số tiền cưỡng chế theo quy định, Cục thuế TP Hà Nội đề nghị các ngân hàng phải thông báo cho cơ quan thuế ngay trước khi trích nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước.
Trước đó vào cuối năm 2022, FLC đã nhận 16 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục thuế Hà Nội với tổng số tiền bị cưỡng chế hơn 76 tỉ đồng với lí do tương tự.
Ngày 6-10, Tập đoàn FLC cũng vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 92,5 triệu đồng do không công bố báo cáo tài chính của các năm 2021, 2022 và 2023.