Thông tin được đề cập tại buổi truyền thông "Nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử và chất gây nghiện mới" do Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc chiều 15-10.
Nhiều hệ lụy từ thuốc lá điện tử
Theo ban tổ chức, thời gian gần đây liên tiếp các vụ ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử ở mọi lứa tuổi đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một loại thuốc lá mới gây hại cho sức khỏe người sử dụng, thậm chí còn hơn thuốc lá truyền thống.
Trong khi đó, Luật Phòng chống thuốc lá tại Việt Nam chưa có điều khoản quy định về loại thuốc lá mới nổi này.
Ngành y tế cảnh báo điểm chung của các ca ngộ độc ma túy thế hệ mới (có trong thuốc lá điện tử) là tình trạng rất nặng với những biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, không kiểm soát được hành vi, tổn thương não và nhiều cơ quan khác.
Đáng chú ý, các mẫu xét nghiệm ma túy có trong thuốc lá điện tử trước đây thường chỉ phát hiện một chất, chứ không trộn tới ba đến bốn chất như gần đây.
Khi thuốc lá điện tử phối trộn thêm các chất lạ, chất kích thích, ma túy thì không thể lường trước được hậu quả và có thể dẫn tới những hệ lụy đau lòng, trong khi đối tượng sử dụng hầu hết là người trẻ, học sinh.
Theo điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá truyền thống trong học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam, tỉ lệ hút thuốc trong nhóm tuổi này giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022).
Trong khi đó, điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với gần 7.800 học sinh trong độ tuổi 13-17 tại 34 tỉnh, thành của Việt Nam, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh vào năm 2019 là 2,6%, nhưng đến năm 2022 đã tăng lên 3,5%.
Không để thuốc lá điện tử "xâm nhập" vào học đường
Nói về nhận diện thuốc lá điện tử, đại úy Trần Văn Thắng - đội trưởng Phòng PC04, Công an tỉnh Nghệ An - cho hay trên thị trường hiện nay chủ yếu có hai loại thuốc lá điện tử là Vape và dạng điếu, đều có nguồn gốc mang nhãn mác do nước ngoài sản xuất và được thẩm lậu vào Việt Nam.
"Từ khi xuất hiện thuốc lá điện tử, chất gây nghiện mới còn xuất hiện thêm nhiều bạn nữ sử dụng. Có bạn còn đeo cả thuốc lá điện tử trước ngực như đeo vòng trang sức để sử dụng", đại úy Thắng nói.
Tiến sĩ Dương Thị Thanh Thanh - phó trưởng khoa tâm lý giáo dục, Trường Sư phạm, Đại học Vinh - cho rằng nguyên nhân học sinh hút thuốc lá điện tử và tiếp cận sớm với chất gây nghiện mới do tâm lý các em muốn thể hiện, khẳng định bản thân và thường bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, thậm chí ép buộc sử dụng thuốc lá điện tử.
"Học sinh tìm đến với thuốc lá điện tử hay chất gây nghiện khác như một lựa chọn cho việc giảm căng thẳng, xả stress.
Đặc biệt rất nhiều học sinh chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá điện tử đối với sức khoẻ", bà Thanh chia sẻ.
Đề cập đến việc phòng, chống học sinh hút thuốc lá điện tử trong trường học còn gặp nhiều khó khăn, bà Thanh nêu giải pháp mỗi nhà trường cần phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ tư vấn tâm lý học đường, nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh.
Anh Lê Văn Lương - bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An - chia sẻ thời gian tới các cấp Đoàn, Đội trong toàn tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với nhà trường, gia đình tăng cường truyền thông, trang bị kiến thức cho học sinh với thông điệp "nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất gây nghiện mới" trong môi trường học đường.
Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) của Anh cho biết số phụ nữ trẻ hút thuốc lá điện tử hằng ngày tại quốc gia này đã tăng gấp ba lần chỉ trong một năm, thậm chí vượt mặt nam giới.