Ngày 16-10, kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của ngành kiểm tra Đảng. Nhân dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã có bài viết điểm lại quá trình hình thành, xây dựng, phát triển của ngành kiểm tra Đảng và chỉ rõ những nhiệm vụ trong thời gian tới.
Kiểm tra, giám sát được thực hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm
Ông Tú nêu rõ từ ngày thành lập đến nay, trải qua 75 năm, ngành kiểm tra của Đảng không ngừng phấn đấu, trưởng thành, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc.
Dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ kiểm tra luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống...
Ông Tú nhấn mạnh những năm gần đây, thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã có nhiều đổi mới, nỗ lực, cố gắng hoàn thành khối lượng lớn công việc.
Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát từng bước được nâng cao. Trong đó có nhiều vụ việc khó, phức tạp, kéo dài, dư luận quan tâm đã được kiểm tra, kết luận, xử lý dứt điểm; những vụ việc mới phát sinh được phát hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời.
Nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát được thực hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.
Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiên quyết xử lý và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Trong đó có cả những cán bộ giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang, với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai.
Từ công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hệ thống các văn bản, quy định khá hoàn chỉnh về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng.
"Những kết quả trên đã tạo dấu ấn quan trọng trong chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành của ngành kiểm tra, góp phần đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Minh chứng cho quyết tâm chính trị cao của Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không ngừng củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và chế độ", ông Tú nêu rõ.
Cũng theo ông Tú, qua kiểm tra, giám sát, nhận thức của các tổ chức đảng, đảng viên được nâng lên; nhiều tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát đã cầu thị, nghiêm túc nhìn nhận vi phạm, khuyết điểm, chủ động khắc phục kịp thời hậu quả gây ra.
Kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được siết chặt, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo đất nước, góp phần tạo môi trường minh bạch, lành mạnh để phát triển đất nước.
Bên cạnh những kết quả, thành tích, ông Tú cũng thẳng thắn chỉ rõ một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa coi trọng đúng mức, chưa thật sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
Hay vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, chưa kiên quyết trong đấu tranh với những vi phạm của các tập thể và cá nhân; chưa kịp thời xử lý những vụ việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc trong dư luận.
Việc thi hành kỷ luật đảng ở một số nơi chưa nghiêm, chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm.
Công khai kết luận kiểm tra, xử lý có tác động tích cực
Nhìn lại chặng đường 75 năm, theo ông Tú, đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trong đó, phải luôn bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát...
Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát phải thường xuyên đổi mới cả về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Phải thực hiện đúng phương châm "chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả"; giữ đúng các nguyên tắc và quy định của Đảng; bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ, thận trọng, "thấu tình, đạt lý".
Giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm; giám sát là để nhắc nhở, cảnh báo, chủ động phòng ngừa. Kiểm tra là phải kết luận rõ đúng sai; xử lý kỷ luật đảng phải nghiêm minh, kịp thời, song cần phải trên tinh thần "trị bệnh cứu người", tình thương yêu đồng chí.
Đồng thời, việc công khai kết luận kiểm tra, xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng có tác động tích cực, góp phần giáo dục, răn đe và phòng ngừa vi phạm.
Công tác kiểm tra, giám sát cũng phải chủ động, kịp thời, đi trước, làm trước, tạo tiền đề cho các cơ quan chức năng xem xét, xử lý tiếp theo...
Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra liêm khiết, công minh, chính trực
Thời gian tới, theo ông Tú, ngành kiểm tra Đảng cần làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, cấp ủy tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy phải lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; tạo điều kiện thuận lợi và là chỗ dựa vững chắc để ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, với phương châm lấy xây là chính.
Kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Đóng góp có hiệu quả, góp phần hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cũng theo ông Tú, ủy ban kiểm tra các cấp đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, trọng tâm là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Kiểm tra những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực; những nơi có nhiều vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội; những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải kịp thời kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh, kịp thời.
Bên cạnh đó cần chủ động tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.
Phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Ủy ban kiểm tra cấp trên thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, nhất là trong xử lý các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp.
Nghiên cứu, tham mưu để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát.
Một nhiệm vụ khác được ông Tú nêu ra là cần quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường cán bộ cho ủy ban kiểm tra các cấp tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra liêm khiết, công minh, chính trực, có bản lĩnh, dũng khí đấu tranh, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm với công việc...
Tại Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung 3 ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII, trong đó có Thiếu tướng Vũ Hồng Văn.