Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản lý vốn của doanh nghiệp nhà nước, trong đó hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp này là trên 140 dự án với tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.
Với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD, chiếm gần 61% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, Tập đoàn Dầu khí quốc gia cho biết, nhiều dự án đến nay đã có lãi và lợi nhuận chuyển về nước đến thời điểm này là hơn 1,1 tỷ USD. Đáng chú ý, dự án thăm dò khai thác dầu khí tại Liên bang Nga của tập đoàn này đã mang lại lợi nhuận cao gấp hơn 2 lần tổng vốn đầu tư.
"Đối với dự án này, tổng phần lợi nhuận sau khi trừ đi tổng đầu tư là 855 triệu USD, có thể nói đây là dự án rất thành công của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc đầu tư ra nước ngoài", ông Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho biết.
Với 79 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, hiện dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt đang tập trung vào 14 ngành, trong đó nhiều nhất là các lĩnh vực như viễn thông, khai khoáng, nông, lâm nghiệp và thủy sản… Lũy kế đến nay, gần 2 tỷ USD lợi nhuận đã chuyển về nước.
Hiện Việt Nam có 1.665 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư là hơn 22 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Viettel đã cung cấp dịch vụ viễn thông ra 10 thị trường ở nước ngoài, trong đó 7 thị trường chúng tôi đã có lãi, tốc độ tăng trưởng đến tháng 9/2023, dòng tiền về Việt Nam là 250 triệu USD, tăng 21% so với năm 2022", ông Đào Xuân Vũ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Viettel, cho hay.
"Việc doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thành công tại thị trường các nước khẳng định khả năng kinh doanh, khả năng về quản trị, tầm nhìn và chiến lược của chính doanh nghiệp nhà nước đó", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận định.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến cho rằng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, cần khắc phục.
"Sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau trên địa bàn đầu tư còn khá lỏng lẻo, chưa có mối liên kết chặt chẽ. Do vậy chúng tôi cho rằng cần phải tạo dựng một mối liên kết để làm sao thông tin cho nhau các tình hình mới, các biến cố mới, để cùng nhau bàn bạc và cùng nhau vượt qua các khó khăn, thách thức mà chắc chắn nó sẽ xảy ra", ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn nhận.
Hiện Việt Nam có 1.665 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư là hơn 22 tỷ USD, trong đó phần vốn của các doanh nghiệp nhà nước chiếm hơn 53%.
VTV.vn - Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong 9 tháng, có 84 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn 244,8 triệu USD, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.11544740251013202-dsu-yt-2-nag-ev-gnam-iaogn-coun-ar-ut-uad/et-hnik/nv.vtv