Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 9/2023 đã tạo ra một bước chuyển đối với kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm 2024. Ông có cho rằng, Fed sẽ không tăng thêm lãi suất trong những tháng còn lại của năm 2023 và sớm chuyển sang nới lỏng tiền tệ?
Tôi cho rằng, lãi suất cao sẽ không biến mất nhanh hay giảm mạnh trong 6 tháng tới, khi kinh tế Mỹ vẫn còn chịu tác động của lạm phát. Fed đã tăng lãi suất rất mạnh (trong 18 tháng qua) trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhưng nếu so tương quan với lạm phát thì lại cho thấy lãi suất tăng không quá mạnh. Chính sách tiền tệ của Mỹ không quá thắt chặt, bởi chính sách tiền tệ tác động đến lãi suất và lạm phát.
Lạm phát tuy đã hạ nhiệt, nhưng khó có thể kỳ vọng Fed giảm nhanh lãi suất, việc này dự kiến sớm nhất cũng là nửa sau của năm 2024.
Lãi suất tại Mỹ tăng cao đã tác động mạnh đến các nền kinh tế khác khi phải giải quyết các vấn đề do chi phí vốn cao hơn. Bên cạnh đó là tác động lên tỷ giá hối đoái như Yên Nhật, Nhân dân tệ và đồng Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Trong khi đó, chỉ số USD-Index (DXY) đang tăng trở lại, xung đột Nga - Ukraine khiến đồng USD tăng rồi giảm và hiện tại lại tăng do căng thẳng ở Trung Đông leo thang.
Việt Nam có những lợi thế giúp hạn chế biến động của tỷ giá trong nước |
Theo ông, FDI liệu có phải là “cứu cánh” tỷ giá cho các quốc gia trong khu vực châu Á, đặc biệt là ASEAN, trong đó có Việt Nam?
Đầu tư nước ngoài đã giảm dần từ năm 2017 bởi quá trình toàn cầu hoá ngược, do giai đoạn nắm chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có tác động đến hoạt động thương mại trên toàn cầu. Tuy nhiên, từ năm ngoái, nguồn FDI đã được đổ kỷ lục vào châu Á, trong đó có Trung Quốc và hiện nguồn FDI đang tiếp tục tăng.
Nhìn lại năm ngoái, ASEAN có nguồn FDI tăng trưởng kỷ lục, với 224 tỷ USD. Nguồn vốn đột biến này chủ yếu chảy vào Singapore, Malaysia, Việt Nam, một ít vào Indonesia, Thái Lan và rất ít vào Philippines. ASEAN vẫn là một trong những khu vực nhận FDI nhiều nhất trên thế giới, bởi thế giới cần có chuỗi cung ứng hỗ trợ đặc biệt trong bối cảnh lạm phát cao. Lượng FDI vào Ấn Độ cũng tăng, nhưng không nhiều hơn so với các quốc gia khác, ví dụ như với Việt Nam. Hạ tầng, mức độ mở, nguồn cung cấp của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia khác, nhất là khi có vị trí địa lý gần Trung Quốc.
Như ông vừa đề cập, Việt Nam được hưởng lợi ích nhất định do gần Trung Quốc, nhưng kinh tế nước này đang khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam?
Quan điểm cứng rắn đối với chính sách tiền tệ của Fed cùng với việc đồng USD mạnh lên gây ra biến động tỷ giá trên toàn cầu.
Chúng ta từng lạc quan về kinh tế Trung Quốc, nhưng các con số hiện nay đều không được như kỳ vọng, do ngành bất động sản Trung Quốc hiện vẫn đang chìm trong khó khăn, thực tế này kéo theo sự sụt giảm của giá hàng hóa toàn cầu. Ở thời điểm đỉnh cao tăng trưởng của ngành bất động sản, Trung Quốc sử dụng đến 25% tổng sản lượng thép toàn cầu. Vì vậy, không ngạc nhiên khi mà sự suy yếu của thị trường bất động sản Trung Quốc tác động đến nhiều nước trên thế giới.
Đáng chú ý, 0,7% GDP của Việt Nam đến từ việc bán các thiết bị sử dụng trong nhà. Theo đó, ngành bất động sản Trung Quốc và toàn cầu khó khăn tất yếu cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.
Ngành bất động sản Trung Quốc không dễ phục hồi trong năm 2024. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc không chỉ toàn mảng xám. Chẳng hạn, đầu tư và sản xuất duy trì mức tăng trưởng khả quan (7%), nhiều doanh nghiệp đang chạy đua cung ứng vào lĩnh vực xe điện, đầu tư vào công nghệ cao tăng trưởng mạnh, đầu tư vào hạ tầng dù chững lại nhưng vẫn đạt ngưỡng 5%.
Có một nghịch lý đang diễn ra mà chúng ta cần quan tâm. Trước đây, mỗi khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại thì giá hàng hóa toàn cầu giảm. Năm 2015, khi sự suy giảm của bất động sản và kinh tế diễn ra, giá hàng hóa đồng thời giảm mạnh. Nhưng diễn biến hiện tại cho thấy, kinh tế Trung Quốc chững lại, giá hàng hóa không giảm. Lý do chính là biến đổi khí hậu và sự chuyển dịch năng lượng. Đầu tư vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch giảm, nhưng nhu cầu lớn, vì vậy giá duy trì ở ngưỡng cao. Quá trình dịch chuyển năng lượng xanh cần đến rất nhiều loại kim loại khác nhau như đồng, lithium…
Với những diễn biến kinh tế trên thế giới hiện nay, theo ông, áp lực tỷ giá tại Việt Nam liệu có phải vẫn là thách thức với nhà điều hành chính sách tiền tệ?
Quan điểm cứng rắn đối với chính sách tiền tệ của Fed cùng với việc đồng USD mạnh lên gây ra biến động tỷ giá trên toàn cầu, khiến chính sách tiền tệ ở nhiều nền kinh tế trở nên phức tạp. Đồng USD cũng đang mạnh lên tại Việt Nam, nhưng Việt Nam có những lợi thế đáng kể, phần nào giúp hạn chế biến động của tỷ giá trong nước.
Ví dụ, triển vọng lạm phát của Việt Nam hiện nay tương đối tốt. Tăng trưởng kinh tế có khả năng vẫn dưới mức tiềm năng cho tới năm sau, điều này sẽ giúp kiểm soát áp lực giá cơ bản. Trong khi đó, cán cân thanh toán tích cực, lượng khách du lịch gia tăng đáng kể, dòng vốn FDI nhìn chung ổn định, giá nông sản cao hỗ trợ tăng thu nhập từ xuất khẩu…
Những yếu tố này giúp Việt Nam có vị thế khá vững chắc trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, nên Ngân hàng Nhà nước chưa thực sự cần thiết phải có những hành động quyết liệt. Tuy nhiên, sức mạnh của đồng USD cũng đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất trong ngắn hạn.
Lãi suất huy động của Việt Nam đã về vùng đáy và khó có thể giảm thêm khi lãi suất thực đang dần thu hẹp do lạm phát tăng lên. Liệu đây có phải là nhân tố sẽ kích thích nhu cầu vay trở lại trong quý IV/2023?
Tôi cho rằng, nhu cầu tín dụng sẽ dần quay trở lại trong những tháng tới. Yếu tố tác động chính không hẳn là do mức lãi suất hiện nay, mà là do niềm tin vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Triển vọng thương mại cải thiện sẽ khiến nhu cầu đầu tư tự nhiên tăng trở lại, khi kinh tế Việt Nam được vực dậy. Lãi suất thực tế thấp hơn sẽ hỗ trợ quá trình này, nhưng niềm tin vào chu kỳ kinh tế toàn cầu mới là yếu tố quyết định.
Với bộ ba áp lực gồm tỷ giá, lạm phát và thanh khoản dư thừa tại nhiều nước trên thế giới. Theo ông, có kinh nghiệm xử lý nào mà Việt Nam có thể tham khảo?
Những thách thức ở các nền kinh tế khác nhau sẽ khác nhau. Ví dụ, tại Việt Nam, lạm phát tương đối thấp so với các thị trường khác và cán cân thanh toán vững mạnh hơn. Thêm vào đó, Việt Nam dường như không có tình trạng quá dư thừa thanh khoản. Vì vậy, ngay cả khi hầu hết các nền kinh tế nhìn chung có những thách thức tương tự nhau, điểm khởi đầu khi bắt tay vào giải quyết những thách thức này cũng sẽ khác biệt rõ ràng. Trong đó, Việt Nam đang có vị thế tương đối mạnh để đối phó với những thách thức.