Tạp chí Hải quan dẫn số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, tháng 9 cả nước có 9 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên.
Trong đó, khu vực phía Bắc có các địa phương: Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội và Phú Thọ.
Các địa phương còn lại ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ gồm: Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Đáng chú ý, tháng 9, Bắc Ninh đã vượt Tp.HCM để trở thành địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh đạt 4,2 tỷ USD trong khi của Tp.HCM chỉ đạt 3,4 tỷ USD.
3 địa phương có quy mô lớn tiếp theo là: Bắc Giang đạt 2,7 tỷ USD; Hải Phòng đạt 2,5 tỷ USD và Bình Dương đạt 2,3 tỷ USD.
Tuy vậy, tính chung 9 tháng, Tp.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu với 31,1 tỷ USD. Tiếp theo là Bắc Ninh với 28,66 tỷ USD; Bình Dương với 22,51 tỷ USD; Thái Nguyên với 20,17 tỷ USD; Hải Phòng với 18,1 tỷ USD…
Về nhập khẩu, theo thông tin trên VTV, lũy kế 9 tháng đầu năm, 5 địa phương có kim ngạch nhập khẩu cao nhất cả nước lần lượt là Tp.HCM (40,71 tỷ USD), Hà Nội (26,96 tỷ USD), Bắc Ninh (24,11 tỷ USD), Bình Dương (16,05 tỷ USD) và Hải Phòng (15,89 tỷ USD).
Trong nhiều năm qua, Tp.HCM luôn giữ vai trò là địa phương đi đầu cả nước về xuất nhập khẩu. Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022, Tp.HCM dẫn đầu 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước với 47,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, giống như nhiều địa phương khác, xuất nhập khẩu của Tp.HCM từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn và bị suy giảm. Kim ngạch xuất khẩu giảm đều ở hầu hết ngành nghề từ dệt may; nông, lâm, thủy sản cho tới chế biến gỗ. Kim ngạch xuất khẩu của Tp.HCM đã giảm hơn 15% sau 8 tháng năm 2023.
Hết tháng 9 năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt gần 500 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư gần 22 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 258,97 tỷ USD, giảm 8,5%, tương ứng giảm 24,02 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. So với tình hình đầu năm, con số này có chiều hướng tích cực khi mức giảm dần được thu hẹp.
Đóng góp cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu phải kể đến một số mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng đột biến như: rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 72,5%; hạt điều đạt 2,5 tỷ USD tăng 13,5%; gạo đạt 3,5 tỷ USD tăng 36%; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 1,6 tỷ USD, tăng 10,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 10,2 tỷ USD, tăng 16,7%...
Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 237,33 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ 2022.
Minh Hoa (t/h)