Cụ thể, mức tăng giá vé xe buýt theo lượt được đề xuất theo 5 cự ly gồm:
Cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 lên 8.000 đồng; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 lên 10.000 đồng; từ 25km đến dưới 30km tăng từ 8.000 lên 12.000 đồng; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 lên 15.000 đồng, từ 40km trở lên tăng từ 9.000 lên 20.000 đồng.
Với vé tháng, mức tăng trung bình 40%. Cụ thể:
Học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng);
Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng);
Các đối tượng khác vé một tuyến là 140.000 đồng (hiện 100.000 đồng), vé liên tuyến 280.000 đồng (hiện 200.000 đồng).
Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện Hà Nội có 154 tuyến xe buýt đang khai thác, trong đó có 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến city tour. Số xe buýt được trợ giá là 2.034 xe với 277 xe sử dụng năng lượng sạch.
Giai đoạn 2015 - 2019 đã trợ giá trung bình 1,371 tỉ đồng/năm; giai đoạn 2020 - 2022 trợ giá trung bình 2.230 tỉ đồng/năm (riêng năm 2022 trợ giá là 2.991 tỉ đồng, dự kiến năm 2023 trợ giá 2.754 tỉ đồng).
Trong đó ngân sách TP Hà Nội hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể; miễn tiền vé với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
Hiện hành khách sử dụng vé tháng chiếm trên 80% tổng lượng khách đi xe buýt ở Hà Nội, số lượng thẻ vé miễn phí tăng dần theo từng năm.
Với mức giá vé xe buýt ban hành từ ngày 1-5-2014 và áp dụng đến nay, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng cơ cấu vé và giá vé chưa phù hợp với sự phát triển của mạng lưới tuyến.
Tại thời điểm điều chỉnh giá vé năm 2014, mạng lưới tuyến có 72 tuyến và nhánh tuyến, chưa phủ rộng khắp 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội, tuyến có cự ly dài nhất là 49,9km. Đến nay có 132 tuyến buýt phủ rộng khắp 30/30 quận, huyện, thị xã, tuyến cự ly dài nhất 61,05km. Giá vé hiện nay của các tuyến có cự ly từ 30km đến 60km có mức giá như nhau là chưa phù hợp.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng cho rằng giá vé xe buýt hiện tương đối thấp so với khả năng chi trả cho đi lại của người dân. Trong khi đó chi phí vận hành 1km cho xe buýt hiện nay tăng khoảng 48% so với năm 2014.
Trong những năm qua các yếu tố đầu vào phục vụ cho hoạt động xe buýt như giá nhiên liệu, tiền lương… tăng cao so với trước đây. Các chi phí trên cùng chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân đi xe buýt nên chi phí trợ giá cao.
Trong khi đó giá vé xe buýt sau 9 năm chưa được điều chỉnh gây áp lực lớn cho việc cân đối ngân sách nhà nước hằng năm để trợ giá. Năm 2023 chi phí trợ giá dự kiến là khoảng 2.754 tỉ đồng, tăng gấp 2,55 lần so với năm 2014.
Từ thực tế nêu trên, Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhận định việc áp dụng giá vé xe buýt từ năm 2014 là không còn phù hợp và việc điều chỉnh giá vé xe buýt tại thời điểm hiện nay là rất cần thiết.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM kiến nghị không thu phí ra vào sân bay Tân Sơn Nhất đối với xe buýt để góp phần tạo chính sách an sinh xã hội, miễn giảm giá vé cho người dân.