Vừa qua, UBND TP.HCM đã giao Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì nghiên cứu dự thảo đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030.
Một trong những nội dung được quan tâm là việc TP nghiên cứu thí điểm cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở một số vị trí không tiếp xúc với công dân có thể đăng ký làm việc tại nhà với tỉ lệ phù hợp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này là hợp lý, hạn chế cơ chế quản lý theo kiểu hành chính "sáng đi, chiều về" mà đôi khi không hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số.
Theo lãnh đạo một phường tại quận Bình Tân, đây là ý tưởng rất hay. Hiện nay, một số vị trí ở phường như bộ phận kế toán, cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo, dân số, kế hoạch hóa gia đình… khi làm việc tại nhà vẫn đảm bảo được hiệu quả công việc.
Người này cho rằng cán bộ chỉ cần đăng ký và cam kết hoàn thành nhiệm vụ với lãnh đạo phường, thì "làm việc ở cơ quan cũng như làm việc ở nhà". Tuy nhiên không phải làm việc ở nhà toàn thời gian mà vẫn phải quy định sinh hoạt tại phường những ngày nào.
"Hiện nay nhiều cán bộ bán chuyên trách có mức lương rất thấp, có người chỉ khoảng 3-4 triệu nhưng áp lực công việc, gia đình nhiều. Nếu được làm việc tại nhà, họ có thể đảm bảo công việc của cơ quan nhưng vẫn có thời gian lo liệu việc nhà thì sẽ yên tâm hơn", người này nói và hoàn toàn ủng hộ ý tưởng này.
TS Nguyễn Thị Thiện Trí (Trường đại học Luật TP.HCM) cho rằng việc thí điểm cho phép cán bộ, công chức làm việc tại nhà sẽ hạn chế cơ chế quản lý theo kiểu hành chính "sáng đi, chiều về" mà đôi khi không hiệu quả.
Tuy nhiên, cái khó của ý tưởng này chính là xây dựng được cơ chế cụ thể để phân loại các loại việc hành chính một cách chi tiết, cơ chế giao việc, đánh giá tính hiệu quả khi được thực hiện ở nhà. Nếu không có quy định cụ thể, minh bạch thì nội dung này không những không hiệu quả mà còn dẫn đến lạm quyền, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ cơ quan.
Nhiều giải pháp nâng chất nền công vụ
Bên cạnh vấn đề trên, tại đề cương dự thảo đề án, UBND TP.HCM cũng nêu ra nhiều vấn đề mới để nâng cao chất lượng nền công vụ TP.
Đó là TP phân bổ biên chế phù hợp khối lượng công việc đặc thù với đô thị đặc biệt gắn với thực hiện nghị quyết 98. Trong đó, TP sẽ tăng cường thuê dịch vụ đối với các công việc có thể thuê ngoài, thí điểm mô hình thuê nhân sự quản lý để giúp cán bộ tập trung vào chuyên môn được phân công.
Nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo hiệu quả công việc và chất lượng sản phẩm đầu ra; áp dụng hệ thống đánh giá đa chiều, có tiêu chí phù hợp với từng lĩnh vực.
Tiếp tục thực hiện đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý; thực hiện có hiệu quả đề án luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý về cơ sở và ngược lại để rèn luyện cán bộ; xin thí điểm tập sự lãnh đạo các cấp, trước mắt là lãnh đạo cấp phòng, xã.
Thường xuyên rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ; đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, trình độ, phẩm chất đạo đức.
Áp dụng cơ chế khoán kinh phí theo biên chế, số lượng người làm việc theo từng phòng, ban, đơn vị trực thuộc các sở - ngành, UBND cấp huyện. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc sử dụng biên chế, số lượng người làm việc thực tế ít hơn cấp có thẩm quyền giao mà vẫn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, được hưởng phần kinh phí khoán quỹ tiền lương.
Nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức; tập trung triển khai có hiệu quả kết luận 14 của Bộ Chính trị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ...
TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng việc triển khai "Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM" là bước đệm cho mục tiêu vận hành nền hành chính của TP trên nền tảng số vào năm 2025.