Trong số này, chỉ một phần nhỏ được thu gom, xử lý. Phần còn lại vẫn được người dân "tự xử" bằng cách bán cho nơi cần san lấp, thuê người đi bỏ.
Tại quận Gò Vấp, để hạn chế vấn nạn này, địa phương yêu cầu người dân có nhu cầu xây dựng, cải tạo công trình, nhà ở phải thực hiện thông báo việc khởi công đến UBND phường, che chắn công trình, có phương án thu gom các chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng.
Hiện các phường trong quận đều hướng dẫn chủ công trình liên hệ đơn vị có chức năng thu gom chất thải rắn xây dựng.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp lén đổ trộm vào các khu đất trống. Có tình trạng các xe ba gác đổ trộm xà bần xuống kênh Tham Lương. Thời gian này khi kênh Tham Lương thi công trở lại, quận cũng nỗ lực quản lý, tuyên truyền nên chuyện đổ trộm đã giảm rất nhiều.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (đơn vị có thực hiện thu gom loại rác này) cho biết hiện đang vận hành hai điểm thu gom tại đường Võ Thị Sáu và Lê Đại Hành. Tuy nhiên lượng rác mang đến chủ yếu là hợp đồng giữa công ty và các đối tác xây dựng lớn, còn người dân đưa đến vẫn rất ít.
Hiện đơn vị này đang trình chủ trương xin TP.HCM cho thành lập các điểm tiếp nhận rác và xây dựng trung tâm xử lý và tái chế rác thải tại TP.HCM. Tại trung tâm này, đầu vào là rác thải, đầu ra sẽ trở thành nguồn nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất khác. TP.HCM đang chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu ý kiến.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết hiện rác xây dựng (bê tông, gạch, cát đá, xi măng, gỗ, sắt thép, thủy tinh…) thường được các công trường tái sử dụng tại chỗ hoặc chuyển đến công trường khác có nhu cầu san lấp mặt bằng. Các loại còn lại được thu hồi để tái chế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có cấp phép cho Công ty TNHH Sài Gòn Xanh trong Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh xử lý rác thải xây dựng bằng hệ thống sản xuất gạch không nung công suất 100 tấn/ngày, bùn đất công suất 500 tấn/ngày, bùn bentonite công suất 800m3/ngày.
Cần lập đường dây nóng
Mới đây nhất, trong văn bản gửi HĐND TP.HCM, Công an TP đã có ý kiến đối với quản lý rác xây dựng. Theo đó, đơn vị này nhận định TP.HCM cần quy hoạch các bãi chôn lấp, tăng cường năng lực thu gom rác thải xây dựng trên địa bàn, đảm bảo 100% lượng rác thải rắn xây dựng phát sinh được thu gom và xử lý.
UBND các địa phương tăng cường quản lý, tuyên truyền, hướng dẫn, lập đường dây nóng, công khai tiếp nhận các thông tin phản ánh và kịp thời kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm.
Địa phương phải yêu cầu chủ đầu tư cam kết về việc xử lý chất thải rắn xây dựng. TP cần chính sách kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải xây dựng.
Ngoài ra, Công an TP đánh giá quy định của Nhà nước về xử phạt vi phạm pháp luật về xử lý rác thải xây dựng chưa rõ ràng, hình thức phạt đang còn quá nhẹ, chưa có tính răn đe cao.
Cần ban hành các quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý chất thải. Có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các doanh nghiệp vi phạm các quy định về thu gom, xử lý chất thải xây dựng, kể cả chủ đầu tư.
TTO - Các chất thải rắn có kích thước lớn phát sinh trong quá trình xây dựng, sinh hoạt của người dân như xà bần, giường, tủ, bàn, ghế sofa, nệm... tại TP.HCM ngày càng nhiều làm gia tăng áp lực lên môi trường và cảnh quan đô thị.