Sáng 17-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương.
Đề xuất phân bổ bổ sung dự toán hơn 2.500 tỉ đồng
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã có tờ trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương, tổng số kinh phí là hơn 2.500 tỉ đồng.
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đề xuất bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương như nêu trên.
Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua đối với dự thảo nghị quyết tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023), Quốc hội khóa XV.
Thẩm tra nội dung này, về thời hạn, số kinh phí trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện để phân bổ số tiền hơn 70.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên đến nay gần kết thúc năm ngân sách 2023 (tính đến 5-10-2023) Chính phủ mới trình bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương, tổng số kinh phí khoảng 2.508 tỉ đồng (chỉ bằng khoảng 3,5% tổng số tiền chưa phân bổ) là quá muộn so với quy định, gây lãng phí nguồn lực ngân sách.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm, không để tồn tại các khoản chi chưa xác định được nhiệm vụ, nội dung chi trong dự toán ngân sách hằng năm để chờ phân bổ.
Đồng thời đề nghị báo cáo rõ về số kinh phí còn lại chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, làm rõ về khả năng sử dụng khoản kinh phí này trong niên độ ngân sách năm 2023, bổ sung thuyết minh chi tiết từng khoản chi.
Theo ông Mạnh, đa số ý kiến đề nghị trường hợp không sử dụng thì Chính phủ sớm nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển cho các nhiệm vụ khác cần thiết, cấp bách, tránh gây lãng phí nguồn lực.
Có ý kiến đề nghị đến nay đã gần hết niên độ ngân sách năm 2023, trường hợp không phân bổ, không còn nhu cầu sử dụng cần hủy dự toán, giảm bội chi ngân sách trung ương để chủ động trong việc huy động nguồn lực bù đắp bội chi, giảm chi phí lãi vay.
Phân bổ chậm do các bộ, ngành chậm trình ban hành cơ chế, chính sách
Lý giải sau đó nguyên nhân phân bổ chậm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết do các bộ, ngành chậm trình ban hành các cơ chế, chính sách bổ sung. Ví dụ như hỗ trợ sinh viên sư phạm theo nghị định 116 hiện vì chưa tổng hợp được nên giờ mới phân bổ.
Một ví dụ khác được bộ trưởng nêu là việc hỗ trợ các cơ quan báo chí theo cơ chế đặt hàng.
Theo nghị định, sau khi được bộ chuyên ngành ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá thì mới được bổ sung. Tuy nhiên do nhiều khoản chưa được ban hành đầy đủ, khi phê duyệt định mức đơn giá thì đã quá niên độ nên không xử lý được.
"Ví dụ như Đài truyền hình VTC thuộc VOV, cán bộ, nhân viên cả năm không có lương. Nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông mãi mới phê duyệt, lúc phê duyệt thì quá niên độ nên chúng tôi không dám đưa vào", ông Phớc cho hay.
Ông nhấn mạnh “ngân sách, tiền bạc làm rất chặt chẽ, công khai” nên chỉ khi đầy đủ điều kiện mới được chi và dứt khoát không hỗ trợ đột xuất. Điều hành dự phòng ngân sách chỉ dành cho công tác bão lụt và an ninh quốc phòng.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ hồ sơ tài liệu theo đúng quy định...
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ cùng với cải cách tiền lương mới cần phải tiến hành rà soát, sắp xếp lại cán bộ, công chức.