Nhà đầu tư ngoại ký quỹ 100%, giao dịch không thành công cũng tốn?
Theo kết quả xếp hạng được FTSE Russell mới công bố, chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. Trước đó, Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõi từ tháng 9-2018.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế - Ủy ban Chứng khoán Việt Nam cho biết nút thắt lớn hiện nay là vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding).
Nhà đầu tư ngoại phải chuyển đủ 100% tiền vào Việt Nam để thanh toán trước khi giao dịch. Yêu cầu này gây khó khăn và ảnh hưởng lợi ích nhà đầu tư, vì giao dịch có thể thành công hoặc không thành công vẫn có chênh lệch tỉ giá.
Với các nhà đầu tư tổ chức quy mô lớn, số tiền chuyển ra - vào rất lớn, do vậy phần nào sẽ cản trở quyết định đầu tư. Về giải pháp, lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế cho biết sẽ phải cân nhắc dựa trên việc đánh giá rủi ro, tiềm năng, nghiên cứu năng lực các thành viên tham gia thị trường.
Theo tìm hiểu, hiện nay chu kỳ thanh toán của thị trường chứng khoán Việt Nam là T+2 với mô hình giao dịch chứng khoán đồng thời với việc thanh toán tiền. Tức là, nhà đầu tư chỉ có thể đặt lệnh mua hoặc bán khi đã ký quỹ đủ tiền trên tài khoản.
Trường hợp nhà đầu tư đã chuyển tiền vào Việt Nam nhưng không mua được chứng khoán, khi đó vẫn phải chịu khoản phí chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại.
Một chuyên gia chứng khoán cho biết hiện trên thế giới rất ít thị trường sử dụng cơ chế ký quỹ trước giao dịch. Nhiều nơi sử dụng tài sản đảm bảo để giảm thiểu rủi ro.
Với việc giao dịch không hủy ngang thì chứng khoán/tiền của lệnh giao dịch khi được khớp chính là phần tài sản đảm bảo quan trọng cho giao dịch.
Chuyên gia chứng khoán SSI cũng cho biết một trong những điều kiện quan trọng nhất mà cả FTSE hay MSCI đều nhắc đến đối với hạn chế của Việt Nam chính là việc quy định phải có tiền trước khi giao dịch (prefunding).
Do vậy việc thỏa mãn yếu tố này hoặc có thể ít nhất thực hiện giao dịch ký quỹ cho các nhà đầu tư nước ngoài nên được áp dụng sớm hơn so với việc nới sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, theo SSI.
Không cần ký quỹ mà vẫn có thể mua bán chứng khoán, cách nào?
Tại một hội thảo bàn về nâng hạng thị trường, ông Nguyễn Sơn - chủ tịch Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC) - cho biết giải pháp căn cơ với yêu cầu ký quỹ trước giao dịch là triển khai cơ chế bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP).
Khi đó các văn bản pháp lý không yêu cầu nhà đầu tư phải ký quỹ trước khi giao dịch, đồng thời VSDC là đơn vị chịu trách nhiệm thanh toán cuối cùng cho các giao dịch nhà đầu tư với cơ chế CCP sẽ không có việc hủy giao dịch khi nhà đầu tư mất khả năng thanh toán.
Tuy nhiên theo ông Sơn, hiện có một số lý do khiến cho cơ chế này chưa được triển khai, cụ thể là xây dựng gắn với hệ thống công nghệ thông tin KRX. Tuy nhiên, KRX hiện chưa đi vào hoạt động.
Ngoài ra pháp luật chứng khoán và pháp luật ngân hàng có một số nội dung chưa đồng nhất, cần phải được bổ sung sửa đổi. Công việc này sẽ cần nhiều thời gian, theo ông Sơn.
Để đảm bảo mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025, ông Sơn cho biết kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi thông tư 120 gỡ bỏ quy định nhà đầu tư phải ký quỹ 100% tiền trước khi mua chứng khoán.
Thay vào đó cho phép công ty chứng khoán được quyền chủ động quy định nhà đầu tư của mình có phải ký quỹ hay không cần ký quỹ, tỉ lệ ký quỹ đối với từng bên căn cứ vào đánh giá tín nhiệm…
Nhìn nhận đề xuất này, một chuyên gia chứng khoán nói với Tuổi Trẻ Online, việc nâng hạng thị trường sẽ là một quá trình tương đối dài. Quá trình này đòi hỏi sự hợp tác, chủ động, nỗ lực lớn từ các công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký và thanh toán, chứ không chỉ thụ động chờ đợi...
Còn theo chuyên gia SSI, việc vận hành hệ thống KRX là điều kiện cần và sự xuất hiện của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) là điều kiện đủ để các giao dịch được thực hiện và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán VN-Index tăng khoảng 20%, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 19.000 tỉ đồng bất chấp khối ngoại bán ròng. Giai đoạn tới thị trường gặp áp lực không nhỏ bởi tỉ giá, lãi suất... song vẫn có nhiều thông tin hỗ trợ.