Ngày 17-10, hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023, TP.HCM tổ chức chuỗi sự kiện Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM với chủ đề “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số”.
Thay đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi số
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết chuỗi sự kiện Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM năm 2023 có nhiều hoạt động phong phú do các sở, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức, diễn ra xuyên suốt trong tháng 10.
Cụ thể, TP.HCM đã tổ chức các hoạt động truyền thông quảng bá nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; phát động nhiều phong trào thi đua, cuộc thi tìm hiểu kiến thức về chuyển đổi số.
TP cũng tổ chức các hoạt động, sự kiện chào mừng ngày Chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành; tổ chức hội thi Thử thách trí tuệ nhân tạo TP.HCM năm 2023; chuỗi hội thảo chuyên đề và triển lãm chủ đề “Công nghệ nâng tầm cuộc sống”. Đặc biệt, TP.HCM đã tổ chức chuỗi hội thảo chuyên đề và triển lãm chủ đề “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số”.
Song song đó còn có triển lãm các kết quả, sản phẩm và các mô hình, giải pháp công nghệ ứng dụng dữ liệu, trí tuệ nhân tạo để tạo ra giá trị của TP...
TP.HCM cần xác định chuyển đổi số và quản trị dữ liệu là một hành trình, cần có những cải tiến phù hợp với các tiến bộ của công nghệ.
“Tôi tin rằng những hoạt động của Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM sẽ mang lại kết quả truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp về công cuộc thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hiệu quả kinh tế số đem lại đóng góp chung cho phát triển kinh tế - xã hội của TP” - ông Đức kỳ vọng.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết thời gian tới TP sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số của TP.HCM, năm dữ liệu số quốc gia 2023.
TP.HCM ra mắt năm nền tảng số
Tại phiên khai mạc, TP.HCM đã công bố năm nền tảng số 2023. Cụ thể, nền tảng bản đồ số TP, nền tảng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, nền tảng hỗ trợ thông tin giải quyết thủ tục hành chính và bản đồ thể chế của TP, nền tảng quản trị thực thi TP dựa trên dữ liệu và nền tảng đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) của TP.
Đẩy nhanh số hóa hồ sơ, chia sẻ dữ liệu
Nêu ý kiến tại hội thảo Dữ liệu số - Cơ hội đột phá và phát triển TP.HCM, bà Trần Thị Lan Hương, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng các yếu tố quyết định thành công trong thực hiện chiến lược quản trị dữ liệu gồm công nghệ, cấp lãnh đạo, quản lý dữ liệu và ứng dụng.
Do đó, khi thực hiện chiến lược quản trị dữ liệu, TP cần xác định chuyển đổi số và quản trị dữ liệu là một hành trình, cần có những cải tiến phù hợp với các tiến bộ của công nghệ.
Bà Hương cũng đề xuất TP cần có cơ quan đầu mối để thúc đẩy, điều phối và thiết kế các giải pháp khai phá dữ liệu số cho TP để TP trở nên năng động, sáng tạo. Các dịch vụ khai phá dữ liệu phải thích ứng để biến công dân và doanh nghiệp thành trọng tâm của chuyển đổi số.
Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM, thông tin đến thời điểm hiện tại, Công an TP.HCM đã cấp hơn 7,5 triệu hồ sơ cấp CCCD gắn chip, hơn 5,1 triệu tài khoản định danh điện tử mức 2 cho công dân.
Trên cơ sở thực hiện Đề án 06, người dân đã có thể sử dụng CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VNeID thay thế nhiều loại giấy tờ như BHYT, giấy phép lái xe, đăng ký xe...
Người dân cũng có thể sử dụng VNeID để làm thủ tục đi máy bay với các chuyến bay nội địa; đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia; nhận chi trả trợ cấp an sinh thông qua tài khoản ngân hàng.
Thượng tá Hồ Thị Lãnh kiến nghị TP cần tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp, ngành, đơn vị, địa phương để cùng chung sức, đồng lòng thực hiện chuyển đổi số.
“Trong cụm “chuyển đổi số” thì chuyển đổi là thay đổi về nhận thức, thay đổi cách vận hành. Cách làm việc mới là yếu tố chính, yếu tố quyết định của chuyển đổi số” - bà Lãnh khẳng định.
Đại diện Công an TP cũng đề xuất tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong thực hiện các mô hình điểm của Đề án 06; tiếp tục làm sạch, làm giàu dữ liệu nhằm phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị cũng như đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.•
Kỳ vọng Sở TT&TT TP.HCM đóng vai trò chỉ huy khai thác dữ liệu
Cũng tại hội thảo, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, đã có tham luận về khả năng chia sẻ dữ liệu ngành tài nguyên môi trường để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.
Ông Bảy thông tin vào tháng 8-2022, Sở TN&MT đã công bố nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường. Thông qua nền tảng này, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các dữ liệu của ngành tài nguyên môi trường để khai thác, sử dụng.
Vẫn theo ông Bảy, sở này đã tham mưu UBND TP cho phép đơn vị thu thập dữ liệu của ngành tài nguyên môi trường đưa vào cơ sở dữ liệu chung nhằm khai thác dữ liệu được thuận tiện, hiệu quả, nhanh, tiết kiệm nhất. “Về lâu dài, Sở TT&TT phải đóng vai trò trung tâm, tất cả thông tin các ngành đặt dưới sự chỉ huy của Sở TT&TT” - ông Bảy kỳ vọng.
Thủ tướng nêu 4 quan điểm chủ đạo trong chuyển đổi số của Việt Nam
(PLO)- Thủ tướng nêu rõ quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số.