Nhưng rất may sau đó Bùi Hồng Hà (Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông) gặp được anh chủ tốt bụng cho làm thêm ở quán cà phê. Tay thoăn thoắt ở quầy pha chế rồi bưng đến mời khách, tranh thủ lúc vắng khách, Hà lôi sách tiếng Anh và ôn lại bài ở giảng đường.
"Anh chủ tốt tính, biết hoàn cảnh nên dặn cứ yên tâm làm, hôm nào bận học anh cho nghỉ nên mình mới có thể vừa học vừa làm", Hà bộc bạch.
Gian nan tìm việc làm thêm
Có kết quả xét tuyển sớm, chàng trai dân tộc Mường kết nối ngay với các anh chị khóa trên cùng Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình nhờ chỉ giúp chỗ trọ ở Hà Nội. Hà nhanh chóng tìm được chỗ thỏa tiêu chí vừa có thể đi bộ đi học, vừa đến được chỗ làm thêm qua sự giúp đỡ của các anh chị, liền vay tiền để đặt cọc phòng.
Trong tính toán của Hà, mọi thứ khi xuống thủ đô sẽ khớp liền nhưng mọi thứ gần như đổ bể hết khi thuê xong nhà trọ nhưng không tìm được việc làm thêm. Giá nhà trọ đắt quá, Hà rủ bạn ở ghép nhưng bạn lại chưa nhập học nên phải chịu tiền trọ một mình, ví lại chẳng còn đồng nào.
Với chiếc máy tính còn đang trả góp hằng tháng, cậu lên mạng, tìm việc ở các nhóm việc làm thêm online, mức lương 25.000 - 30.000 đồng/giờ. Kết nối với các trang này và gần như nhận được trả lời ngay tắp lự, người ta giới thiệu làm online và nói sẽ được hoa hồng từ các đơn hàng. Hai đơn hàng đầu tiên, người giới thiệu cho bạn một khoản tiền để ứng trước.
Nhưng tới đơn thứ ba trong tài khoản của Hà chỉ còn 10.000 đồng, yêu cầu phải nạp tiền mới có thể tiếp tục nhận đơn hàng. Nhưng chính lúc đó, bạn nhận ra đây là chiêu trò lừa đảo nên dừng lại, và cũng không dám tìm việc quảng cáo trên mạng nữa.
Nhưng không thể không đi làm. Lần này Hà "gõ cửa" cậy nhờ các anh chị đi trước và được giới thiệu đến làm ở quán cà phê cách trường chừng 1km và được nhận vào làm ngay. Làm việc chăm chỉ, mỗi ngày Hà được trả công 100.000 - 110.000 đồng. Khoản tiền ấy giúp bạn yên tâm hơn để tự trang trải cuộc sống những ngày xa quê.
Trụ cột gia đình
Bố Hà làm thợ xây, dù công việc có bấp bênh nhưng vẫn cùng vợ chăm lo cho các con. Nhưng năm 2017 bị tai nạn, một bên chân của ông cứ cứng đờ không co duỗi được. Mà nhà làm gì có tiền nên ông không đi khám, chấp nhận những cơn đau hành hạ. Mãi ba năm sau, anh em gom góp cho ít tiền đi bệnh viện thì phát hiện mắc bệnh u não quái ác.
Mẹ Hà chạy vạy khắp nơi vay được 100 triệu đồng cho chồng đi mổ. Rất may ca mổ thành công, bố Hà khỏe lại, có thể làm mấy việc loanh quanh bên dưới chứ thợ bạn cũng không cho ông leo cao.
Những tưởng đã bớt lo thì tai ương lại ập đến. Một hôm trời nắng to, bệnh tái phát, ông ngã sõng soài ở chỗ làm, trở nặng hơn từ đó. "Gia đình đưa bố chạy chữa khắp nơi, cả bệnh viện ở quê rồi lên Hà Nội nhưng bố vẫn không qua khỏi", Hà rưng rưng.
Hà kể nhớ mãi chuyện những ngày chống chọi với bệnh tật, người thân đến thăm cho chút tiền, bố đều để dành đợi con trai học ở trường nội trú tỉnh về thăm, nhét cho con vài trăm ngàn để có thêm tiền chi tiêu, xe cộ đi lại.
Cậu nói lúc nào cũng nhớ mãi lời dặn của bố dặn cố gắng mà học vì chỉ có con đường học mới giúp thay đổi hoàn cảnh, đỡ đần cho mẹ mai sau trước khi ông mất.
Nhà giờ ngoài bà nội già yếu còn mẹ sức khỏe không tốt. Anh trai Hà chưa học hết phổ thông nên công việc chẳng ổn định. Từ lúc hiểu chuyện, Hà nói đã tự ý thức vai trò trụ cột gia đình của mình từ hồi lớp 8, bắt đầu hiểu chuyện nên càng quyết tâm thi đỗ vào trường nội trú để đỡ phần nào tiền học phí.
Suốt ba năm phổ thông, Hà luôn đạt học sinh giỏi. Năm cuối cấp, bạn giành giải nhì học sinh giỏi toán cấp tỉnh.
Tính tổng điểm ba môn thi khối A00 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hà đạt 28,89 điểm và tự tin đăng ký vào ngành công nghệ thông tin. Chương trình này đào tạo 4,5 năm, cậu đã ủ mưu học vượt để cố hoàn thành sớm chương trình và có thể đi làm sớm, nhanh kiếm tiền phụ mẹ.
Kế hoạch nữa là phải tham gia các câu lạc bộ lập trình để học hỏi kinh nghiệm, tích lũy kỹ năng từ đàn anh. Chưa đủ 18 song anh chàng tự nhận mình là người "suy nghĩ nhiều trước tuổi" và mỗi bước đi đều phải được tính toán kỹ lưỡng. Chỉ có như thế mới giúp bạn tiết kiệm thời gian, sức lực, tiền bạc, tập trung hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Món quà sinh nhật sớm
Ngày 20-10, Bùi Hồng Hà sẽ tròn 18 tuổi. Cậu tân sinh viên mong đợi đến sinh nhật không phải để chờ được tặng quà, thổi nến sinh nhật mà đơn giản chỉ là "khi ấy sẽ không phải lo lắng vì chưa đủ 18 tuổi nên không xin được việc làm nữa".
"Mình được báo Tuổi Trẻ thông tin sẽ trao học bổng Tiếp sức đến trường, cũng là nơi đầu tiên xác nhận vì trước đó mình đã nộp rất nhiều hồ sơ xin học bổng nhiều nơi. Với mình, đó là món quà sinh nhật sớm, thật quý giá lúc này", Hà bộc bạch.
81 tân sinh viên Tây Bắc nhận học bổng
Hôm nay 18-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Lào Cai, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam, Quỹ Khuyến học Vinacam trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 81 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của sáu tỉnh khu vực Tây Bắc: Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu. Đây là điểm trao thứ tư của chương trình Tiếp sức đến trường 2023.
Tổng kinh phí chương trình hơn 1,2 tỉ đồng do Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tài trợ. Mỗi suất học học bổng 15 triệu đồng tiền mặt, trong đó có hai suất đặc biệt (50 triệu đồng/bốn năm).
Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng, Quỹ Khuyến học Vinacam tặng sáu laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập.
Lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 105 tân sinh viên Quảng Nam và Đà Nẵng vào ngày 15-10 diễn ra trong trời mưa tầm tã nhưng ấm áp và rưng rưng cảm xúc với những câu chuyện đặc biệt.