Đê chực chờ bị phá vỡ
Theo người dân thôn Song Nam, năm 1980, người dân trong thôn được Nhà nước làm cho tuyến đê dài hơn 2 km, mặt đê rộng khoảng 4 m để ngăn thủy triều đẩy nước mặn từ biển theo sông Lạch Kèn tràn vào đồng ruộng. Tuyến đê sau khi hình thành đã giúp ngăn mặn, giữ ngọt cho 35 ha đất trồng lúa và 20 ha đất trồng hoa màu.
Tuy nhiên, do tuyến đê được đắp bằng đất nên mỗi mùa mưa bão đi qua thì nhanh chóng bị xói lở. Vào một số năm, nhiều đoạn đê bị sóng biển kết hợp mưa lũ phá tan. Những lần như vậy, người dân trong thôn phải huy động lực lượng ra hộ đê, dùng đất đá để khắc phục.
Dù nhiều lần được gia cố nhưng tuyến đê vẫn không thể trụ vững trước thiên tai. Đến nay, nhiều vị trí trên tuyến đê này bị xuống cấp nghiêm trọng, chực chờ bị phá vỡ nếu có mưa bão xảy ra.
Ông Nguyễn Xuân Hiền (61 tuổi, trú thôn Song Nam) cho biết nếu tuyến đê không được tu sửa lại bằng bê tông cốt thép thì sớm muộn cũng sẽ bị mưa bão phá hủy. "Người dân thôn chúng tôi có rất ít diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nếu tính bình quân thì chưa đến 1 sào ruộng/người. Đồng ruộng ở đây cũng chỉ làm được một vụ đông xuân vì phụ thuộc vào trời mưa. Được có chừng đó ruộng mà còn bị nước biển tràn vào thì bà con sẽ mất đất sản xuất, coi như thất nghiệp", ông Hiền nói.
Ông Trần Văn Toản, Trưởng thôn Song Nam, thông tin thêm, toàn thôn có 178 hộ dân với 730 nhân khẩu, lâu nay cuộc sống chỉ trông chờ vào diện tích đất nông nghiệp ít ỏi chỉ hơn 50 ha. Suốt thời gian qua, tuyến đê đã ngăn mặn, giữ ngọt cho ruộng đồng, giúp bà con trong thôn yên tâm sản xuất. Tuy vậy, sau thời gian dài đưa vào sử dụng, tuyến đê bị bão lũ kết hợp với triều cường dâng cao bào mòn gây sạt lở nhiều đoạn. Dù chính quyền địa phương và người dân đã nhiều lần gia cố nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời.
"Nếu tuyến đê bị thiên tai phá hủy, không chỉ đất nông nghiệp bị nhiễm mặn mà có thể còn ảnh hưởng đến dân sinh, gây ngập lụt cho khu dân cư. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân trong thôn vẫn rất trăn trở với tuyến đê này. Người dân đề nghị chính quyền các cấp sớm cấp kinh phí xây dựng lại tuyến đê kiên cố hơn", ông Toản bộc bạch.
Sẽ bố trí kinh phí để xây dựng lại tuyến đê
Ông Trần Công Tráng, Phó chủ tịch UBND xã Cương Gián, cho hay tuyến đê ngăn mặn, giữ ngọt ở thôn Song Nam từng bị cơn lũ lịch sử phá tan tành vào năm 1989, nhưng sau đó đã được xây dựng lại. Lúc đó, tuyến đê này được xây dựng thêm 8 con kè bằng đá nối từ thân đê ra phía sông Lạch Kèn để ngăn sóng. Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp nên hiện tại các con kè hộ đê cũng đã bị đánh sập.
"Tuyến đê bị xuống cấp rất trầm trọng khiến người dân rất hoang mang, nhất là trong mùa mưa bão. Người dân cũng nhiều lần đề nghị chính quyền các cấp cho khôi phục lại 8 con kè hộ đê và tu sửa lại các vị trí bị xuống cấp. Song, do chưa có kinh phí nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện được", ông Tráng giải thích.
Theo ông Lê Anh Đức, quyền Trưởng phòng NN-PTNT H.Nghi Xuân, sau khi nhận được phản ánh của chính quyền xã Cương Gián, UBND huyện cũng đã giao cho các phòng, ban chuyên môn xuống khảo sát hiện trạng xuống cấp của tuyến đê ngăn mặn, giữ ngọt ở thôn Song Nam để có biện pháp khắc phục.
"Chúng tôi đã lập dự toán và trình phương án tu sửa lại tuyến đê ở thôn Song Nam cho lãnh đạo huyện. Trong thời gian sớm nhất, huyện sẽ cố gắng bố trí kinh phí xây dựng lại để ổn định đời sống cho người dân ở phía trong đê", ông Đức thông tin.